Giải thưởng Phạm Thận Duật cổ vũ nhà sử học trẻ tuổi cống hiến

GD&TĐ - Trong 23 năm hoạt động, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã xét trao cho hơn 120 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc.

TS Trần Xuân Thanh, giải Nhất Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23 phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Bình Thanh.
TS Trần Xuân Thanh, giải Nhất Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23 phát biểu tại lễ trao giải. Ảnh: Bình Thanh.

Trong 23 năm hoạt động, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã xét trao cho hơn 120 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc. “Giải thưởng đã động viên, cổ vũ các nhà sử học trẻ tuổi trên con đường học tập, nghiên cứu khoa học, cống hiến cho sự nghiệp của nền sử học nước nhà”, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh.

Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23 vừa được trao cho 6 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc, bảo vệ từ 1/10/2021 đến 30/9/2023. Trong đó, cùng với 2 giải Nhì và 3 giải Ba, luận án “Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX” (tác giả Trần Xuân Thanh, Trung tâm Biển và hải đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội) được nhận giải Nhất.

GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét Giải thưởng Phạm Thận Duật cho biết, để trở thành đối tượng xét giải, các luận án tiến sĩ viết về lịch sử phải được các Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá là xuất sắc.

“Đó là tiêu chí đầu tiên để Quỹ và Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ngày càng có uy tín trong xã hội và trong giới khoa học. Hội đồng xem xét về giá trị của các công trình khoa học đều coi người được giải thưởng là các nhà khoa học có trình độ cao, có những đóng góp đáng kể”, ông Giang nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đức Cường cũng khẳng định việc trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật trên cơ sở đánh giá và tuyển chọn khách quan, chất lượng khoa học của những luận án được các cơ sở đào tạo trong cả nước gửi đến.

“Từ giải thưởng này, nhiều tiến sĩ phát huy tinh thần say mê trong nghiên cứu khoa học cũng như tạo được uy tín trong giảng dạy... Một số khá đông trong những người được nhận giải đã có bước tiến đáng ghi nhận. Nhiều người trở thành các giáo sư, phó giáo sư, nghiên cứu viên cấp cao ở các trường đại học, viện nghiên cứu…

Nhiều luận án được công bố, in thành sách và phát hành trong và ngoài nước; được các nhà khoa học đánh giá cao về chất lượng khoa học và giá trị phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển sử học đất nước…”, ông Cường đánh giá.

Chia sẻ thêm về sự hình thành và phát triển của giải thưởng, ông Cường thông tin, năm 2000, để kỷ niệm 115 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật (29/11/1885), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật bắt đầu xét và trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật thường niên.

Hội đồng xét giải thưởng được thành lập và thay đổi từng năm tùy thuộc vào đề tài các luận án, riêng Chủ tịch Hội đồng xét giải về cơ bản không thay đổi với sự tham gia của GS.NGND Đinh Xuân Lâm, GS.NGND Vũ Dương Ninh và hiện nay là GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang. Các nhà giáo, nhà khoa học này đều có nhiều đóng góp cho quá trình hoạt động và phát triển của giải thưởng.

Trao giải Nhì và giải Ba Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23. Ảnh: Bình Thanh.

Trao giải Nhì và giải Ba Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23. Ảnh: Bình Thanh.

Vinh dự được nhận giải Nhất Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 23, TS Trần Xuân Thanh bày tỏ niềm xúc động, vinh dự, tự hào cũng như sự biết ơn và “nhận thức thêm về trách nhiệm của mình”.

Theo ông Thanh, thật xúc động khi sau biết bao mồ hôi, công sức đổ ra trong quá trình thực hiện và hoàn thành luận án, đến nay sự vất vả, khó khăn ấy đã bước đầu thu được thành quả, được thầy cô, đồng nghiệp ghi nhận.

Và cũng vô cùng vinh dự bởi đã được vinh danh bởi một Quỹ giải thưởng uy tín mang tên danh nhân Phạm Thận Duật – một nhân sĩ, trí thức có những đóng góp lớn lao trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục, sử học…

“Cuộc đời của ông là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, về sự thanh liêm, chính trực, về những cống hiến không mệt mỏi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Để xứng đáng với giải thưởng mang tên một chí sĩ yêu nước, một danh nhân văn hóa của dân tộc, chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng học hỏi, không ngừng rèn luyện, tiếp tục phấn đấu để trở thành những người làm sử chân chính, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp phát triển của nền sử học Việt Nam…”, ông Thanh bày tỏ.

Tiến sĩ Phạm Thị Vượng (Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng không giấu được niềm vui cùng sự hãnh diện khi được nhận giải Ba Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 23 cho luận án: “Nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975”.

“Đây là giải thưởng rất có uy tín, được biết đến từ lâu và ở Viện Sử học đã có một số người đã được nhận niềm vinh hạnh này, trong đó có PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật, là người được nhận giải lần thứ hai – năm 2002.

Có thể nói, nhiều người biết về giải từ khá lâu và luôn hướng đến giải thưởng. Vì thế, khi làm luận án tiến sĩ, có lẽ ai cũng chỉn chu hơn, muốn vươn đến tầm cao hơn và có thể đặt mục tiêu rõ ràng.

Giải thưởng cũng là thước đo quan trọng vì không chỉ đánh giá công sức của quá trình làm luận án đầy vất vả, mà còn là sự ghi nhận về con đường nghiên cứu từ đồng nghiệp và giới chuyên môn”, TS Phạm Thị Vượng chia sẻ.

“Trải qua gần 1/4 thế kỷ hoạt động, giải thưởng đã góp phần khích lệ các tài năng sử học trên con đường nghiên cứu khoa học, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu của nhiều thế hệ nghiên cứu sinh và các nhà sử học trẻ, góp phần tạo ra một sân chơi khoa học lành mạnh và bổ ích trong giới sử học nước nhà.

Giải thưởng thực sự là nguồn động viên giúp chúng tôi vững tin hơn trong việc dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học; giống như một món quà quý giá, trao tặng và bù đắp cho những nỗ lực và cố gắng của chúng tôi trong suốt một hành trình dài gian khó. Đồng thời cũng là niềm tự hào, động lực thúc đẩy để chúng tôi có thể tiếp tục phấn đấu và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học của mình” - TS Trần Xuân Thanh, giải Nhất Giải thưởng Phạm Thận Duật lần thứ 23.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ