Trao thưởng cho các tác giả đoạt giải nhì tại Bái đường Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: gdtd.vn |
Phạm Thận Duật (1825-1885), hiệu Vọng Sơn, tên chữ là Quan Thành, sinh ra trong một gia đình trí thức nho học nghèo ở Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Từ nhỏ, ông chủ yếu học các ông giáo làng và tự đi thi ra làm quan. Năm 1850, ông thi đỗ cử nhân ở trường Nam và năm 1851 ra làm quan dưới triều Nguyễn thời Tự Đức.
Gần 20 năm liên tục làm quan tỉnh Bắc Ninh, ông lần lượt giữ các chức Tri châu Quế Dương, Tri phủ Lạng Giang, Bang biện tỉnh vụ kiêm Đồn điền sứ, Án sát sứ rồi Bố chính Bắc Ninh. Sau đó giữ chức Tuần phủ Hà Nội, Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên. Ở Bắc Ninh, Phạm Thận Duật đã dùng uy đức để hiểu dụ và kết nạp những người lầm đường lạc lối trước đây gia nhập vào quân đội tham gia diệt trừ bọn thực dân và tay sai của Pháp, ổn định được tình hình địa phương.
Phạm Thận Duật là vị quan yêu nước, ông luôn quan tâm đến vận mệnh Tổ quốc trước tình hình thực dân Pháp xâm lược nước ta. Năm 1873, khi Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, tuy không trực tiếp đánh Pháp nhưng ông đã nung nấu chí khí quyết tâm chiến đấu. Trước khi Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai (1882), ông đã có “bản mật tấu” gửi triều đình Huế, trong đó nêu những biện pháp phòng chống địch. Ông chủ trương và tích cực xây dựng những đồn sơn phòng ở vùng rừng núi hiểm yếu, chuẩn bị căn cứ chống Pháp ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và nhất là căn cứ Tân Sở (Quảng Trị) với một quy mô khá lớn.
Năm 1885, ông cùng các cộng sự phò vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương. Trên đường ra Bắc chiêu tập nghĩa sĩ Cần Vương chống Pháp, ông bị Pháp bắt, xử tội tham gia chống Pháp, đày đi biệt xứ tới đảo Tahiti và ông đã qua đời tại đây.
Ông Phạm Đình Nhân (bên trái ảnh) nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Sử học. ảnh: gdtd.vn |
Bên cạnh những cống hiến trong phong trào chống Pháp, cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Thận Duật còn là tấm gương sáng về đức tính thanh liêm, chính trực đối với dân, với nước. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà thủy lợi tài năng. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như Hưng Hóa ký lược, Vãng sứ Thiên tân nhật ký, Quan Thành tấu tập, những bài tấu về đê điều được tập hợp trong “Hà đê tấu tập”. Về sử học và giáo dục, ông là người kiểm duyệt lần cuối bộ Quốc sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, giữ chức vụ Phó tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám. Ông đã từng là thầy dạy học cho hai hoàng thân là vua Dục Đức và Đồng Khánh sau này...
Ngày nay, tên ông đã được đặt cho một đường phố tại Hà Nội, Ninh Bình và tên một trường tiểu học tại xã Yên Mạc (Ninh Bình).
Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được thành lập năm 2000 cùng với sự ra đời của giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Giải thưởng do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp xét duyệt, được trao đúng vào ngày 29/11 hàng năm, nhân kỷ niệm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, tổ chức tại Bái đường Văn miến Quốc Tử Giám.
Được nhận giải thưởng Phạm Thận Duật là tác giả của những luận án đã được các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ sử học cấp Nhà nước chấm đạt điểm xuất sắc 6/7 và 7/7. Từ năm 2000 đến nay, đã có 11 lần xét trao giải thưởng với 55 cá nhân được vinh dự nhận giải này. Năm 2010, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đã lựa chọn được 6 giải thưởng với 1 giải nhất, 3 giải nhì và 2 giải ba với trị giá giải thưởng lần lượt là 15 triệu, 10 triệu và 7 triệu đồng mỗi giải.
Cũng tại buổi lễ, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Sử học cho ông Phạm Đình Nhân, cháu 5 đời của danh nhân Phạm Thận Duật, đồng thời là Chủ tịch Quỹ giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.
Hiếu Nguyễn