"Giải thưởng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục nghề nghiệp với tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng"

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của Nhà báo Nguyễn Thảo (Ban Đời sống, báo VietNamNet) - tác giả của loạt bài "Người cố níu con chữ cho những đứa trẻ trên cao nguyên đá".

Nhà báo Nguyễn Thảo. Ảnh: NVCC.
Nhà báo Nguyễn Thảo. Ảnh: NVCC.

Trong 4 năm giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam được tổ chức, Nhà báo Nguyễn Thảo đã 3 lần đạt giải (2 lần trước: 1 giải B, 1 giải Khuyến khích).

Nhà báo Nguyễn Thảo chia sẻ: Trước khi chuyển sang theo dõi mảng đời sống, tôi từng làm việc ở ban Giáo dục của báo VietNamNet nhiều năm. Vì thế, có thể nói, tôi vẫn có những mối quan tâm nhất định tới các vấn đề giáo dục nói chung và các thầy cô giáo nói riêng.

Thực sự, tôi không cho rằng những bài viết đạt giải là những tác phẩm viết về giáo dục xuất sắc nhất, có sức ảnh hưởng nhất trong một năm qua. Các tác giả đạt giải cũng chưa chắc đã là những nhà báo giáo dục giỏi nhất. Tuy nhiên, tôi tin rằng bất cứ người làm báo nào cũng mong muốn những nỗ lực của mình được ghi nhận, nhất là sự ghi nhận từ chính đối tượng mà mình đang viết về. Và giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" đã làm rất thành công việc đó.

Tôi trân trọng và cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo GD&TĐ và các đơn vị đồng hành khác đã cho chúng tôi những giây phút được tự hào về công việc của mình. Giải thưởng, sự ghi nhận này là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục nghề nghiệp của mình với tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng. Mong rằng những đóng góp của các nhà báo sẽ giúp ngành giáo dục ngày một hoàn thiện hơn nữa.

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, lý do chọn đề tài, Nhà báo Nguyễn Thảo cho biết: "Trong một chuyến công tác trên Hà Giang, tôi được một đồng nghiệp giới thiệu tới cô giáo Trương Thị Nhượng khi tôi chia sẻ về việc đang tìm kiếm nhân vật cho ngày 20/11.

Đề tài người giáo viên vùng cao từ trước đến nay đã được khai thác rất nhiều và rất kỹ. Tuy nhiên, ở cô giáo Trương Thị Nhượng có một điều đặc biệt và mới mẻ hơn.

Tôi không nói là chưa có ai làm những công việc mà cô Nhượng đã làm, nhưng cô Nhượng có thể nói là một hình mẫu điển hình cho người giáo viên năng động và nhiệt huyết trong công tác xã hội hoá giáo dục vùng cao.

Không chỉ đứng lớp giảng dạy, cô Nhượng như một cánh tay nối dài, mang về cho học trò của mình những thứ thiết thực nhất. Ảnh: NVCC.
Không chỉ đứng lớp giảng dạy, cô Nhượng như một cánh tay nối dài, mang về cho học trò của mình những thứ thiết thực nhất. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Nguyễn Thảo kể lại: "Ở vị trí của mình, cô Nhượng đã kêu gọi sự chung tay của cộng đồng với giáo dục vùng cao. Ban đầu, chỉ là những bộ quần áo cũ, những đôi dép tổ ong, những chiếc khăn đan vội, sau đó là những con đường, cây cầu, căn bếp, điểm trường lẻ…

Ngoài việc là một giáo viên 26 năm đứng lớp, cô Nhượng như một cánh tay nối dài, mang về cho học trò của mình những thứ thiết thực nhất để khoảng cách của các em với con chữ ngày một gần nhau hơn.

Tôi nghĩ rằng, khi một đứa trẻ được học tập trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, được ăn những bữa ăn no, mặc những bộ quần áo ấm, chúng sẽ yêu thích việc đến trường hơn.

Một ngày nào đó, các em sẽ học được đủ nhiều để nhận ra rằng được đến trường, được đi học là một cánh cửa để mở ra cho các em những cơ hội mới, bước ra thế giới ngoài kia, rút ngắn khoảng cách với những đứa trẻ khác".

Cô giáo Nhượng chụp ảnh kỷ niệm cùng các em học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC.
Cô giáo Nhượng chụp ảnh kỷ niệm cùng các em học sinh vùng cao. Ảnh: NVCC.

"Vì thế, tôi cho rằng, một nhà giáo như cô Nhượng xứng đáng được tôn vinh. Những việc cô đang làm xứng đáng được lan toả để cộng đồng biết rằng ở nhiều ngôi trường khác, còn có những cô giáo Nhượng và những đứa trẻ vẫn đang thiếu thốn, vẫn đang cần sự chia sẻ của mọi người" - Nhà báo Nguyễn Thảo tâm sự.

Theo nhà báo Nguyễn Thảo, chị không gặp khó khăn gì đặc biệt trong việc thực hiện tác phẩm này. Nhà báo Nguyễn Thảo nhấn mạnh: "Tuy nhiên, có 2 điều mà chị ghi nhớ trong và sau quá trình thực hiện tác phẩm này.

Điều đầu tiên, đó là trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, cô Nhượng đã nhiều lần bật khóc khi kể về hoàn cảnh của những học trò đáng thương nhất của mình. Bản thân tôi cũng phải cố nén nước mắt nhiều lần để tiếp tục cuộc trò chuyện.

Những cảm xúc ấy khiến tôi có đôi chút áp lực – làm thế nào để chuyển tải được hết những điều đó trên trang báo để độc giả cũng cảm nhận được những gì mình đã cảm nhận. Tôi không dám chắc mình đã làm điều đó thành công. Nhưng tôi luôn làm hết sức mình cho những nhân vật như thế này.

Điều thứ hai, có thể mang lại cho tôi cảm xúc hơi buồn một chút. Đó là sau khi bài viết được đăng tải, đâu đó, có ai đó trong ngành giáo dục địa phương đã cho rằng những gì cô Nhượng chia sẻ với tôi là một sự phủ nhận những nỗ lực chăm lo đời sống và việc học tập cho học sinh vùng cao. Ý kiến này ban đầu có mang lại cho cô giáo một chút rắc rối và hoang mang. Tuy nhiên, rất may sau đó, một lãnh đạo trong ngành tại địa phương đã lên tiếng ủng hộ và khen ngợi những đóng góp của cô cho giáo dục huyện nhà. Cô Nhượng bỏ đi được một nỗi lo, còn chúng tôi cũng bớt “áy náy” khi đã vô tình gây xáo trộn tới cuộc sống và công việc cô đang làm.

“Sự cố” này khiến tôi có chút liên tưởng tới một “căn bệnh” mà chúng ta đã nói rất nhiều. Đó là bệnh thành tích - muốn tô hồng và giấu đi những thứ vẫn còn chưa đẹp đẽ. Tuy nhiên, tôi vẫn tin đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Ngành giáo dục Việt  đang “thay da đổi thịt” trong từng cấp học để tiệm cận và dần thu hẹp khoảng cách với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Tôi hi vọng học sinh, giáo viên vùng cao sẽ không bị bỏ lại phía sau guồng quay đổi mới nhanh chóng ấy."

Cô Nhượng thường mời học sinh đến nhà, nấu những bữa cơm giản dị cùng ăn với các em. Ảnh: NVCC.
Cô Nhượng thường mời học sinh đến nhà, nấu những bữa cơm giản dị cùng ăn với các em. Ảnh: NVCC.

Khi được hỏi về mong muốn và đề xuất với Nhà nước về cơ chế để Giáo dục phát triển thế nào? Nhà báo Nguyễn Thảo cho rằng: Đây là một câu hỏi lớn, cần nhiều thời gian và phân tích. Tuy nhiên, ở góc độ một nhà báo, một phụ huynh có con đi học, tôi chỉ xin đề xuất một ý nho nhỏ.

Theo tôi, trong giáo dục, quan trọng nhất vẫn là con người. Để một đứa trẻ đến trường được vui vẻ, hạnh phúc, chúng ta cần những giáo viên nhiệt huyết, biết yêu thương và bao dung. Để một đứa trẻ tiếp nhận tốt nhất về mặt kiến thức, chúng ta cần những giáo viên giỏi chuyên môn. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của những yếu tố khác như cơ sở vật chất, chương trình, triết lý giáo dục…

Tôi chỉ mong sao ngành giáo dục luôn đặt việc tìm kiếm và đào tạo con người lên là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của mình, như một câu nói quen thuộc: "Người thầy hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới."

Nhà báo Nguyễn Thảo: Tôi hi vọng giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam sẽ có sự đánh giá, ghi nhận cởi mở hơn với những tác phẩm viết về các vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, những vấn đề mới trong ngành giáo dục. Bởi vì chúng ta chỉ có thể làm tốt hơn khi chúng ta nhìn thẳng, đánh giá đúng về những yếu điểm của mình, cải thiện nó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.