Giải pháp tạo môi trường học Tiếng Anh cho học sinh miền núi

GD&TĐ - Khi mục tiêu của dạy học ngoại ngữ không phải là kiểm tra đánh giá khắt khe về trình độ ngữ pháp, ngôn ngữ hàn lâm mà tập trung vào kết quả luyện tập kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho các tình huống thực tế trong cuộc sống, năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ hai sẽ dần được hình thành và phát huy hiệu quả.

Các hoạt động trải nghiệm học tiếng Anh. Ảnh: Hồng Ngân
Các hoạt động trải nghiệm học tiếng Anh. Ảnh: Hồng Ngân

Bản chất và thực trạng của việc học ngoại ngữ

Bản chất việc học ngoại ngữ - Tiếng Anh phải là một quá trình tổ chức cho người học nắm vững ngôn ngữ để giao tiếp và nhận thức. Học để giao tiếp khác với học để thi. Không phải người Việt Nam nào cũng giỏi Văn, hiểu tường tận ngữ pháp Tiếng Việt. Theo L.V. Serba bản chất ngôn ngữgồm ba mặt: Thứ nhất gồm quá trình nói và hiểu, gọi là hoạt động lời nói; thứ hai là hệ thống ngôn ngữ hay đơn giản là ngôn ngữ được xác định bởi vốn từ vựng và ngữ pháp; thứ ba là tài liệu ngôn ngữ, là toàn bộ những cái được nói, hiểu trong hoàn cảnh cụ thể.

Dạy học Tiếng Anh ở trường học hiện nay đang tập trung vào mặt thứ hai. Đó cũng là một trong những lý do rất ít học sinh sử dụng được Tiếng Anh để giao tiếp sau khi ra trường. Theo kết quả khảo sát những năm học gần đây, phần lớn học sinh lớp 12 làm đề thi thử chỉ để biết mình có bị điểm liệt hay không và tìm cách chống liệt. Từ thực tế đó, học sinh phải được hình thành phương pháp tự học để tiếp cận được cả ba mặt của ngôn ngữ. Người học phải biết cách tự rà soát kiến thức mình, tìm hiểu và tiếp cận cả ba mặt của ngôn ngữ. Với môn Tiếng Anh, việc tạo môi trường và phát triển năng lực tự học là rất cần thiết.

Phát triển năng lực tự học Tiếng Anh qua thư viện lớp học

Việc triển khai dự án thư viện lớp học để hỗ trợ học sinh phát triển năng lực tự học Tiếng Anh qua đọc mở rộng (extensive reading) là một giải pháp tích cực, có hiệu quả lâu dài và toàn diện. Nguồn tri thức đa chiều trong các danh mục sách thuộc hệ thống thư viện đã tạo điều kiện giúp các em tự học tốt hơn và chuyên sâu hơn so với kiến thức trong sách giáo khoa.

Năng lực tự học, nghiên cứu theo hệ thống tài liệu sách truyện, tạp chí giúp cho học sinh phát triển ngôn ngữ và sử dụng chúng để giao tiếp một cách tự nhiên hơn. Các chuyên đề từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp, luyện nghe, nói, đọc, viết sẽ được cải thiện. Hệ thống tài liệu này vừa cung cấp nội dung vừa hướng dẫn kiểm tra đánh giá. Thông qua tài liệu tự học, học sinh sẽ nắm bắt được kiến thức chuyên sâu hơn so với các tiết dạy trên lớp mà giáo viên chưa truyền đạt được hết.

Khi các em học sinh vùng nông thôn được hỗ trợ về học liệu, giá trị chia sẻ trong cộng đồng cùng với tinh thần hướng về trường xưa của học sinh cũ ngày được nâng cao. Đồng thời giúp các em phát huy yếu tố tâm lý lứa tuổi, tăng quyền tự chủ và phát triển năng lực tự học. Bên cạnh mục đích dài hạn là nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh ở trường THPT thì hình thức đọc để học - học để giao tiếp (reading to learn and practise) thay thế cho hình thức học để đọc và thi (learning to read and test) đã thành thói quen trong thái độ học tập của phần lớn học sinh, tiến tới mục tiêu góp phần thay đổi chất lượng giáo dục toàn diện.

Học qua video hội thoại hằng ngày

Để tối đa hóa năng lực tiếp nhận kiến thức cũng như ngôn ngữ của học sinh, chúng ta phải bảo đảm các em được tiếp cận đủ 4 cách học: Quan sát; lắng nghe; hoạt động và đọc, viết. Xem video và tái hiện các mẫu câu được sử dụng trong các tình huống cụ thể như Tiếng Anh tại nhà hàng, sân bay, chào hỏi làm quen, hỏi đường, thuê căn hộ, xin việc... Các video bài giảng cho speaking từ cơ bản đến nâng cao dễ dàng tìm thấy trên mạng Internet và hoàn toàn miễn phí. Giáo viên chỉ cần chuẩn bị về nội dung, lên ý tưởng và hoạt động cho các phần trước, trong và sau xem video như thế nào cho hiệu quả. Giờ học vừa sinh động, bớt nhàm chán và quan trọng hơn là sự hào hứng của người học khi được xem, nghe và diễn như người bản ngữ.

Câu lạc bộ cùng các dự án (projects)

Những ưu điểm mà câu lạc bộ Tiếng Anh mang lại cho những thành viên cùng đam mê và chí hướng đã được nhiều trường học và tổ chức ghi nhận. Trong phạm vi trường THPT ở các huyện miền núi thì câu lạc bộ là nơi để các em hiện thực hóa những trải nghiệm về lễ hội, nét văn hóa đặc trưng của các nước. Trong chương trình Tiếng Anh mới có tiết học về giao tiếp và văn hóa (communication and culture) nhưng mới chỉ là vỡ vạc ban đầu. Sinh hoạt câu lạc bộ là sàn diễn cho học sinh thể hiện bằng Tiếng Anh với những vở kịch về văn hóa, tác phẩm văn học, hóa trang lễ hội. Một phần quan trọng trong hoạt động của câu lạc bộ là thuyết trình về các dự án (project) môi trường, công nghệ, khoa học viễn tưởng...

Những điều mà khi dạy trên lớp giáo viên khó lòng có thể áp dụng đại trà. Hoạt động trải nghiệm được các thành viên câu lạc bộ hào hứng, tự tin tham gia là giúp đỡ khách du lịch nước ngoài hiểu hơn về quê hương và đời sống của người dân miền quê qua các buổi giao lưu cà phê hay tập làm hướng dẫn viên du lịch… Từng bước khắc phục khó khăn và tự tạo môi trường học như thế, hiệu quả của việc học Tiếng Anh chắc chắn được cải thiện.

Cùng với sự bùng nổ thông tin, nội dung học tập ngày càng trở nên đa dạng, phong phú, phức tạp và nhiều chiều tác động. Từ gia đình đến giáo viên, học sinh đều thấy rõ Tiếng Anh là yếu tố quan trọng góp phần phát triển khả năng của mọi dân tộc. Phát triển Tiếng Anh là một phần tất yếu và chiến lược của con người cho tương lai ở mọi quốc gia, là chìa khóa hội nhập thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ