TPHCM: Nhiều giải pháp nâng chất lượng dạy Anh ngữ

GD&TĐ - Là địa phương có điểm trung bình tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhất cả nước 3 năm liên tục: 5,92 điểm (2017), 5,06 điểm (2018), 5,79 điểm (2019), TPHCM được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo dạy học bộ môn này.

Cô và trò Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) trong một tiết tiếng Anh
Cô và trò Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) trong một tiết tiếng Anh

Học sinh tự chọn chương trình

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, học sinh công lập trên địa bàn TP có thể lựa chọn một trong các chương trình học tiếng Anh như: tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đề án, chương trình giảng dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh... Bên cạnh chương trình đề án tiếng Anh của Bộ GD&ĐT triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, TPHCM đã xin phép Bộ thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ 20 năm nay.

Với chương trình này, các em được học tiếng Anh trong trường công lập ngay từ lớp 1 với thời lượng 8 tiết/tuần. Đến nay, thành phố đã có 94,5% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học. Tỉ lệ học sinh phổ thông thành phố đạt các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh ngày càng tăng.

Đặc biệt để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường, TPHCM đã đưa chương trình “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” (gọi tắt tiếng Anh tích hợp) vào giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn TP. Theo đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh được học 8 tiết/tuần các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh do 100% giáo viên bản ngữ giảng dạy.

Hiện nay, chương trình được triển khai tại bậc tiểu học, THCS, THPT, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận chương trình phổ thông quốc tế một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Chương trình đã được công nhận đầu ra bởi các tổ chức khảo thí lớn, uy tín trên thế giới như Pearson (Anh) và ACT (Mỹ). Đây được đánh giá là một bước đột phá trong dạy học ngoại ngữ của TPHCM trong xu thế hội nhập.

Bên cạnh chương trình học tập tại các nhà trường, một trong những yếu tố góp phần quan trọng cho chất lượng dạy học tiếng Anh tại TPHCM được nâng cao chính là nhờ vào chủ trương xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, các trung tâm ngoại ngữ phát triển. Từ đó, phụ huynh có nhiều lựa chọn và đầu tư cho con học tiếng Anh trong môi trường chuẩn, tăng cường thực hành, giao tiếp với người nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, hiện nay thành phố có hơn 700 trung tâm tiếng Anh. Ngoài được tạo điều kiện học tiếng Anh trong trường công lập với nhiều chương trình tiếng Anh đa dạng, tiên tiến, học sinh TPHCM còn được phụ huynh đầu tư học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ.

Học sinh tham gia hoạt động chuyên đề Anti-Bullying Day
 Học sinh tham gia hoạt động chuyên đề Anti-Bullying Day

Chủ động nâng cao năng lực dạy ngoại ngữ

TPHCM đã có chính sách riêng về đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế của TP vào năm 2012 cho thấy chỉ có khoảng 5% giáo viên đạt yêu cầu. Thời gian qua, TP đã sử dụng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% giáo viên đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo các trường, ngoài việc đạt chuẩn tiếng Anh theo quy định về xếp hạng giáo viên, các giáo viên rất chủ động trong tự nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng việc dạy học.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chia sẻ, ngoài việc học tập ở trường, học sinh được cha mẹ đầu tư nhiều về học ngoại ngữ nên mặt bằng chung trình độ các em rất tốt. Đây cũng là một yếu tố khiến giáo viên dạy ngoại ngữ không chỉ nỗ lực tham gia học tập, bồi dưỡng để có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ theo quy định của ngành (về mặt hành chính) mà còn tự đổi mới, sáng tạo, tự nâng cao năng lực của mình trong dạy học để không bị “lạc hậu” với học sinh.

Ở Trường Nguyễn Du, 11 giáo viên trong tổ Ngoại ngữ của trường đều đạt chuẩn theo quy định (trình độ B2). Là ngôi trường theo mô hình tiên tiến nên nhà trường đặc biệt chú trọng dạy học ngoại ngữ với nhiều hoạt động hiệu quả, vì vậy vai trò của người giáo viên rất quan trọng.

Tương tự, thầy Huỳnh Quốc Hùng, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ của Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho rằng: “Ngày nay, học sinh có nhiều kênh để học tập ngoại ngữ, năng lực rất tốt, với mỗi giáo viên, để không bị thiếu tự tin khi đứng trước các em, bắt kịp xu thế thời đại thì luôn phải tự trau dồi kiến thức. Đó có thể là học online, học qua những chứng chỉ, tự tìm hiểu tài liệu và chủ động đổi mới dạy học, trau dồi nghe nói, giao tiếp”.

Song song với việc nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, theo nhiều cán bộ quản lý của các trường, để giữ chân giáo viên dạy ngoại ngữ, TP cần có chính sách hợp lý.

“Giáo viên có trình độ cao, họ dễ dàng đạt các chứng chỉ theo chuẩn, trên chuẩn, cơ hội việc làm của họ rất nhiều với thu nhập cao. Ở TPHCM còn có các hệ thống trường ngoài công lập cũng rất hút giáo viên ngoại ngữ giỏi bởi chế độ đãi ngộ tốt nên việc các giáo viên giỏi dịch chuyển là điều cần tính toán tới và có cơ chế phù hợp hơn”,thầy Huỳnh Thanh Phú nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.