Giải pháp nào phòng chống đuối nước cho trẻ vùng cao?

GD&TĐ - Trước mối nguy cơ đuối nước tiềm ẩn do có hệ thống sông, suối, hồ dày đặc, Lai Châu tổ chức linh hoạt các mô hình truyền dạy kỹ năng cho trẻ.

Đoàn viên xã Bản Lang, huyện Phong Thổ dạy bơi cho trẻ em trong dịp nghỉ hè.
Đoàn viên xã Bản Lang, huyện Phong Thổ dạy bơi cho trẻ em trong dịp nghỉ hè.

Chủ động trước nguy cơ

Lai Châu có hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc, với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Do điều kiện kinh tế khó khăn, các em nhỏ còn thiếu sân chơi trong dịp hè nên thường xuyên ra khu vực sông, suối chơi. Vì thế, những “sân chơi tự phát” này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích.

Thực tế, tình trạng đuối nước ở trẻ em không chỉ tiềm ẩn mà đã hiện hữu. Minh chứng cho thấy, trong 2 năm 2021 - 2022, Lai Châu có 45 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ em chưa biết bơi; thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Có trường hợp bị tử vong do thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn tại những thời điểm xảy ra thiên tai, lũ lụt.

Nhiều năm qua, Sở LĐTB&XH Lai Châu đã phát động Tháng hành động vì trẻ em và các cuộc tư vấn trực tiếp cho nhiều người dân để cung cấp kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Tại địa phương cũng xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”. Sở LĐTB&XH Lai Châu đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục quan tâm, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh các kỹ năng phòng, chống đuối nước và khuyến khích tổ chức các lớp dạy bơi nhằm bổ trợ kỹ năng thực hành cho trẻ. Tại các khu vực bãi tắm tự phát, sông, ao, hồ... việc quản lý được quan tâm sát sao hơn, các biển cảnh báo đề phòng đuối nước cũng được lắp đặt.

Cùng với đó, Sở VHTT&DL Lai Châu đã phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước. Tỉnh đoàn Lai Châu cũng triển khai nhiều hoạt động nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Huyện biên giới Phong Thổ có gần 30 nghìn trẻ em. Trong điều kiện của các gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu sân chơi cũng như kỹ năng sống, nguy cơ trẻ em bị đuối nước và tai nạn thương tích vẫn luôn rập rình. Để công tác phòng, chống đuối nước được thực hiện hiệu quả, gia đình, nhà trường, các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn huyện đã có sự phối hợp đồng bộ trong nhiều giải pháp.

Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được huyện quan tâm, thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bảo vệ trẻ em. Lãnh đạo huyện cũng quan tâm phát triển môn bơi và coi đây là giải pháp hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và góp phần phòng, chống đuối nước cho trẻ em”.

Phong Thổ đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi an toàn cho trẻ đồng thời rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn ở khu vực sông, suối, ao, hồ. Các nhà trường đã dành những giờ học cuối năm học (trước khi các em nghỉ hè) phổ biến kiến thức và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh đồng thời phát tờ rơi về gia đình, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em để có sự phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường, xã hội trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước.

“Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, mỗi người dân, gia đình cũng cần chung sức, đồng lòng trong việc quản lý con em mình. Công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác được thực hiện thường xuyên hơn. Việc khuyến cáo không tắm, bơi lội ở nơi nước sâu, chảy xiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe không chỉ cho trẻ em mà cho tất cả mọi người cũng được thực hiện” - bà Mai Thị Hồng Sim nhấn mạnh.

Đoàn viên xã Bản Lang, huyện Phong Thổ tổ chức chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Đoàn viên xã Bản Lang, huyện Phong Thổ tổ chức chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống

Bản Lang là một trong những xã có đông trẻ em của huyện Phong Thổ với hơn 2 nghìn em. Đây cũng là địa phương hàng năm vẫn có trẻ em bị đuối nước. Vì vậy, ngay khi tiếp nhận học sinh từ nhà trường chuyển về sinh hoạt tại các bản, lực lượng đoàn viên thanh niên xã, bản đã tổ chức hàng loạt hoạt động thu hút đông đảo trẻ em tham gia.

Nội dung chuyên sâu và nổi bật là tổ chức truyền thông về phòng, chống đuối nước. Trong hoạt động này, cán bộ Đoàn sử dụng máy chiếu, các hình ảnh minh họa sinh động, giới thiệu cho các em về tình trạng đuối nước, mức độ nguy hiểm của đuối nước đối với sức khỏe con người và các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, cán bộ Đoàn còn hướng dẫn các em kỹ thuật mặc áo phao, dạy kỹ thuật đứng nước, bơi ếch, bơi ngửa ngay tại bể bơi.

Tại buổi sinh hoạt hè, do Đoàn Thanh niên xã Bản Lang tổ chức cho các em nhỏ ở bản Nà Vàng, trẻ em được thỏa sức tham gia vào các trò chơi dân gian, sau đó cùng liên hoan ăn bánh kẹo. Các em cũng đã được nghe truyền thông và thực hành về các biện pháp phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích.

Anh Giàng A Phong, Bí thư Đoàn xã Bản Lang chia sẻ: “Địa bàn xã có rất nhiều suối. Có dòng suối chảy xiết và nhiều vũng nước sâu, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ. Đoàn Thanh niên đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức các lớp tuyên truyền về phòng, chống đuối nước, dạy bơi cho trẻ em đồng thời, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi bị đuối nước cho trẻ em và phụ huynh”.

Theo Bí thư Đoàn xã Bản Lang, các em trong độ tuổi rất hiếu động, bản tính thích tìm hiểu, khám phá nên khi tổ chức sinh hoạt hè cho các em, đơn vị đã cố gắng lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp. Nội dung truyền thông về phòng, chống đuối nước được tổ chức linh hoạt, tạo môi trường cho các em được giao lưu, học hỏi, vui chơi, giải trí bổ ích.

Em Hồ Anh Thư ở bản Nà Vàng phấn khởi cho biết: “Tham gia sinh hoạt hè em thích nhất khi được tham gia vào các trò chơi như: Kéo co, bịt mắt bắt dê, tung bóng… Cùng đó, chúng em được các anh chị hướng dẫn về cách phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích. Đây là những hành trang bổ ích để chúng em tự bảo vệ mình”.

Được các cán bộ Đoàn tuyên truyền, hướng dẫn về biện pháp phòng, chống đuối nước, Dì Văn Thương (14 tuổi) ở bản Nà Vàng đã hiểu được nguy cơ tiềm ẩn khi tắm nơi sông, suối. Thương cho biết: “Em biết kỹ năng xử lý tình huống khi gặp người không may bị đuối nước. Em đã chia sẻ cho các bạn trong bản những kiến thức này và vận động các bạn không ra khu vực sông, suối, ao, hồ sâu tắm. Không lội qua sông, suối, nhất là vào thời điểm mùa mưa, nước lũ chảy xiết”.

“Các địa phương khác trong huyện Phong Thổ đang đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Phong Thổ chưa xảy ra vụ đuối nước ở trẻ nào” - bà Mai Thị Hồng Sim bày tỏ sự lạc quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

tạo biệt danh theo tên