Giải pháp nào nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non?

GD&TĐ - Mầm non là bậc học ngày càng được quan tâm nhiều. Vì thế, đào tạo giáo viên mầm non không chỉ bảo đảm chất lượng mà hướng đến chất lượng cao. Báo Giáo dục và Thời đại đã có trao đổi với PGS.TS Trần Đình Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường CĐSP T.Ư về nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mầm non trước yêu cầu đổi mới GD.

Ảnh minh họa/ Interne
Ảnh minh họa/ Interne

Yêu cầu về chuẩn năng lực và phẩm chất

* Trường CĐSP T.Ư đã triển khai Chương trình đào tạo giáo viên mầm non chất lượng cao như thế nào?

- Chương trình đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) chất lượng cao được thực hiện trong những năm gần đây đã đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội. Chương trình có thương hiệu và đã thể hiện tầm chiến lược quốc gia về GDMN, đáp ứng yêu cầu đổi mới của GDMN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp CTCLC có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có khả năng tự bồi dưỡng, tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động giải quyết vấn đề trong thực tiễn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, giáo viên MNCLC thích ứng được với sự đa dạng của các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay; sử dụng thành thạo tin học; có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra về trình độ tiếng Anh từ bậc 3 trở lên (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam).

PGS.TS Trần Đình Tuấn.
 PGS.TS Trần Đình Tuấn.

Hoàn thành chương trình này, sinh viên có thể đăng ký tuyển dụng GVMN ở nhiều vị trí khác nhau như: GVMN ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tư thục; GVMN ở các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài; GVMN chuyên trách các chuyên đề phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội; Tạo hình; Âm nhạc; Tiếng Anh trong trường mầm non; Giáo dục trẻ nhà trẻ; Dinh dưỡng cho trẻ mầm non; Giáo viên hướng dẫn thực hành nghề nghiệp cho giáo sinh ngành GDMN; Tư vấn về chăm sóc giáo dục trẻ nhỏ trong cộng đồng và gia đình

Để hướng đến đào tạo GV chất lượng tốt, việc lựa chọn chương trình cũng dựa trên việc khảo sát kĩ khả năng, nhu cầu của người học và yêu cầu của thực tiễn xã hội hiện đại. Các học phần mang tính mở, linh hoạt, logic và theo sát những biến động của xã hội trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu về chuẩn năng lực và phẩm chất của người CBQL và GVMN trong tương lai.

Thực hành - giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng

*Trong đào tạo GVMN, thực hành là vấn đề được đặt ra cấp thiết. Để hoạt động này đạt hiệu quả, nhà trường đã có biện pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo?

- Thực hành, thực tập sư phạm là hình thức học tập thực tế không thể thiếu trong quá trình đào tạo với đối tượng là sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên sư phạm mầm non nói riêng. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi sinh viên, là thời điểm các em được tiếp cận thực tế. Đặc biệt, các em được vận dụng, kiểm nghiệm các kiến thức lí thuyết đã được học, từ đó sẽ giúp các em từng bước rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất của người giáo viên tương lai cũng như năng lực giảng dạy và kĩ năng chăm sóc trẻ. Nhà trường luôn chỉ đạo sát sao công việc này để SV khi ra trường luôn vững vàng tay nghề và có nhiều cơ hội phát triển

Trong quá trình xây dựng và bổ sung chỉnh sửa chương trình đào tạo và kế hoạch THTT hàng năm, nhà trường thường xuyên tham khảo ý kiến của Ban Giám hiệu và giáo viên các trường MN thực hành. Họ là những người có cái nhìn thực tiễn giúp Khoa GDMN đưa ra những yêu cầu, nội dung mà sinh viên cần rèn luyện một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ở cơ sở đào tạo và đáp ứng yêu cầu thực tiễn tại các trường mầm non trong giai đoạn hiện nay.

Để hoạt động này đạt hiệu quả, nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng chương trình đào tạo và kế hoạch thực hành thực tập (THTT) bảo đảm được các yêu cầu như: Chương trình đào tạo phải phù hợp và chất lượng bảo đảm tính hữu dụng qua việc cung cấp kiến thức lí thuyết với việc rèn kĩ năng cho sinh viên gắn liền với thực tiễn.

Phân bố thời gian cho từng đợt kiến tập, thực hành SP, thực tập SP và thực tập tốt nghiệp phù hợp.Mục tiêu, nội dung thực hành - thực tập cụ thể, phù hợp với thời lượng trong từng đợt. Yêu cầu về mức độ các kĩ năng đạt được ở mỗi đợt từ thấp đến cao nhằm giúp sinh viên xác định rõ những kĩ năng cần trau dồi trong quá trình học tập trên lớp cũng như tại các trường mầm non vào các đợt THTT.

Kế hoạch đào tạo toàn khóa được sắp xếp hợp lí nhằm bảo đảm các đợt THTT là cơ hội để sinh viên được trải nghiệm, thực hành những kiến thức đã được trang bị, gắn với nghề nghiệp của mình.

Việc đảm bảo tính toán đúng thời điểm, thời gian, thời lượng và nội dung, yêu cầu THTT vừa giúp sinh viên thực hành đầy đủ các thao tác nghề vừa có thể dùng kết quả THTT điều chỉnh hoạt động học của sinh viên cũng như điều chỉnh nội dung và chương trình đào tạo của Khoa Giáo dục Mầm non (GDMN).

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet 

Đào tạo chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm

* Khi nhu cầu nuôi dạy trẻ ngày càng lớn, hệ thống các trường lớp và nhóm trẻ mầm non nhiều thêm thì vấn đề đặt ra là chất lượng đội ngũ cần phải tương xứng với quy mô. Bên cạnh việc dạy lý thuyết thì lối truyền nghề “cầm tay chỉ việc” có phải là cách làm mang lại hiệu quả tích cực nhất?

- Nghề GVMN có những nét khác biệt và luôn cần sự hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo và chính xác. Tuy nhiên, trong thời kì đổi mới thì việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn cũng có thể tiến hành bằng các hình thức khác nhau, nhất là việc đào tạo theo tín chỉ hiện nay thay cho đào tạo theo niên chế trước kia. Lối truyền nghề “cầm tay chỉ việc” không còn chiếm ưu thế, thay vào đó người học phải chủ động, sáng tạo và tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng, tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ cũng như tự rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo.

*Hướng đến đào tạo chất lượng cao, nhà trường có những phương hướng như thế nào trong thời gian tới?

- Đào tạo chất lượng cao luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Phương pháp đào tạo cần sự bứt phá mạnh mẽ trong xu thế toàn cầu hóa: Xác định tầm nhìn, sứ mệnh và những giá trị cốt lõi của nhà trường luôn được sự quan tâm của tất cả đội ngũ CBQL và CBGV. SV phải tự thiết kế các hoạt động học tập của mình và tự ứng dụng vào thực tiễn; Lựa chọn được đội ngũ GV sắc bén về chuyên môn để thúc đẩy các chương trình đào tạo mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tham khảo các chương trình đào tạo ở nước ngoài và thích ứng với Việt Nam.

Nhà trường tạo cơ hội để mỗi GV và SV phát huy hết tiềm năng của mình và đóng góp cho sự nghiệp chung; cam kết chất lượng với xã hội và tiến hành kiểm định chất lượng. Thời gian học tập theo học phần cần có sự linh hoạt và tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tinh giản và hiệu quả .

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh lộ trình đào tạo GVMN chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường trọng điểm trong lĩnh vực GDMN. Chủ động trong việc kết hợp giữa 3 trường CĐSP T.Ư với các trường ĐHSP đào tạo GVMN để tổ chức tốt các hội thảo quốc tế, quốc gia về chương trình đào tạo, bồi dưỡng GVMN theo định hướng của Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu về đổi mới GDMN đáp ứng nhu cầu xã hội.

* Xin cảm ơn PGS !

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.