Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Hà |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch CLB các trường Sư phạm và PGS.TS Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cùng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; GD Đại Học, GD Trung học, GD Tiểu học, GD Mầm non cùng hiệu trưởng 7 trường ĐH Sư phạm trọng điểm của cả nước: Huế, Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua quy định chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo là “Có bằng cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non” và “có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Đây là thay đổi lớn vì Luật giáo dục hiện hành chỉ quy định giáo viên mầm non có trình độ trung cấp và giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ cao đẳng trở lên. Với quy định này của Luật giáo dục mới, việc đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên là vô cùng cấp thiết và cần có lộ trình thích hợp.
Hội thảo “Đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu Luật giáo dục”. Ảnh: Việt Hà |
Hội thảo lần này đặt ra các vấn đề như: thống nhất chương trình khung, phương thức đào tạo, thời gian, chỉ tiêu đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đáp ứng nhu cầu người học…
Đại diện các trường đại học sư phạm nêu ra những khó khăn, tồn tại trong công tác này, vốn là đặc thù ở các vùng miền của cả nước để kiến nghị, đề xuất với Bộ GD&ĐT sớm có cơ chế tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hội thảo lần này của CLB các trường Sư phạm là hoạt động bổ ích, các trường thành viên được giao lưu, chia sẻ hoạt động chuyên môn.
Luật Giáo dục 2019 đã được ban hành, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho các trường sư phạm là phải giải quyết 2 vấn đề: đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng trình độ được quy định trong Luật và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới.
Trong công tác đào tạo nâng chuẩn giáo viên, Thứ trưởng nhấn mạnh: về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, các trường sư phạm được giao tự chủ và phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả, chất lượng các khóa đào tạo nâng chuẩn giáo viên.
Việc nâng chuẩn giáo viên đáp ứng Luật, chính phủ sẽ quy định lộ trình nâng cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định để thực hiện lộ trình áp dụng nâng chuẩn giáo viên đáp ứng Luật Giáo dục 2019.
Vấn đề mấu chốt đặt ra hiện nay là thống nhất chương trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng chuẩn giáo viên; Các nhà trường cần phải chủ động đề xuất, kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, tồn tại đang là rào cản trong công tác đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, phổ thông với Bộ GD&ĐT để hoàn thiện quy trình, phương thức bồi dưỡng giáo viên.
Thứ trưởng nêu rõ: Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm - Giáo viên sau nâng chuẩn. Sắp tới Bộ sẽ xây dựng và áp dụng phần mềm đánh giá giáo viên sau những khóa đào tạo nâng chuẩn của các trường sư phạm.
Thứ trưởng đã đặt hàng lãnh đạo các trường sư phạm trọng điểm đóng góp giải pháp cho bài toán nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, phổ thông hiện nay. Trong công tác này có khó khăn gì cần phải tháo gỡ, cần tập trung thực hiện những vấn đề gì đang đặt ra trước mắt để Bộ GD&ĐT để tháo gỡ cho công tác đào tạo nâng chuẩn giáo viên của các trường ĐH Sư phạm trong những năm tới.