Đại biểu Quốc hội: Cần thiết nâng chuẩn trình độ giáo viên

GD&TĐ - Góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của dự thảo Luật về nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – đoàn Nam Định, với chính sách nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm là rất cần thiết, bởi 3 lý do:

Thứ nhất, giáo viên mầm non có tính chất đặc thù, khác so với các giáo viên các cấp học còn lại, bởi họ cần làm tốt đồng thời cả hai nhiệm vụ là: nuôi và dạy trẻ em.

Do đặc điểm tâm sinh lý và độ tuổi của trẻ mầm non nên đội ngũ giáo viên ở cấp học này đóng vai trò tạo nền tảng cho sự phát triển đầu đời, hình thành nhân cách cho trẻ sau này.

Vì vậy, giáo viên mầm non thực chất cần phải đáp ứng được những yêu cầu cao chứ không phải là thấp. Họ cần phải có những phẩm chất, năng lực rất riêng, phù hợp với mức độ, tính chất của công việc.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo
 Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo

Thứ hai, hiện nay chuẩn giáo viên mầm non đang là trình độ trung cấp sư phạm, mà hệ trung cấp với yêu cầu thời gian đào tạo là 2 năm, thực học khoảng 18 tháng, thời gian học lý thuyết nhiều, thực hành ít, chương trình còn thiếu tính hệ thống, yêu cầu tuyển sinh đầu vào không cao nên trình độ trung cấp khó thu hút được học sinh giỏi vào nghề.

Từ quá trình đào tạo chưa đủ độ chín như vậy, sinh viên mầm non đã tốt nghiệp và trở thành giáo viên kéo theo những áp lực và khó khăn trong công việc đối với bản thân họ, dẫn đến thiếu kỹ năng giáo dục cho trẻ hay phương pháp giáo dục chưa phù hợp.

Thứ ba, sự tương đồng về trình độ đội ngũ giáo viên mầm non với nhiều quốc gia trên thế giới. Phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu giáo viên mầm non phải có trình độ đại học hoặc sau đại học, đặc biệt ở một số quốc gia sinh viên sư phạm trước khi đi thực tập ngoài yêu cầu về trình độ còn phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng đủ điều kiện làm việc với trẻ em thì mới được tiếp xúc với trẻ.

Nhiều nước ở trong khu vực như: Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng yêu cầu giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên. Do đó, vấn đề nâng chuẩn giáo viên mầm non đối với Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội cũng như đảm bảo mặt bằng chung tương đương với khu vực và thế giới.

Đại biểu Triệu Thanh Dung
Đại biểu Triệu Thanh Dung

Tán thành mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tại Điều 72 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Triệu Thanh Dung – đoàn Cao Bằng cho rằng, cần lộ trình nâng chuẩn trình độ nhà giáo sao cho hợp lý.

Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để không làm xáo trộn, ảnh hưởng công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Đại biểu đề nghị thời gian áp dụng của quy định trình độ đạt chuẩn của nhà giáo vào năm 2030 để có thêm thời gian cho giáo viên chưa đạt chuẩn đi học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.