Vậy năm 2023, doanh nghiệp làm thế nào để vượt “bão” khi thị trường u ám?
Chính sách lạc hậu, chồng chéo mâu thuẫn
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) đã phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí, có đơn vị giảm đến 50% số lao động.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO (thuật ngữ chỉ một công ty lần đầu tiên huy động vốn rộng rãi từ công chúng thông qua việc lần đầu phát hành cổ phiếu và đưa lên sàn chứng khoán)...
Trong năm 2022, số doanh nghiệp BĐS tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7%. Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn hoặc tạm dừng tiến độ thực hiện dự án.
Thực tế, việc một số tổ chức, cá nhân bị xử lý vì có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tác động lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế 2023, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho hay, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn chồng chất.
Hiện, các cơ cấu sản phẩm của BĐS cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại chúng, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ BĐS cao cấp.
Giá BĐS quá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Áp lực tăng giá đầu vào phát triển BĐS cũng rất mạnh từ vật liệu xây dựng, máy móc, nhân công, chi phí vốn…
Bên cạnh đó, thị trường cũng gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp BĐS, các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.
Vị chuyên gia cho biết, thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh. Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ.
Ngoài ra, khó khăn về sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS còn đến từ việc thủ tục pháp lý bị vướng. Hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt thủ tục đầu tư, đặc biệt là việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do các chính sách bộc lộ các dấu hiệu của sự lạc hậu, chồng chéo mâu thuẫn.
Tìm cơ hội trong khốn khó
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì thời điểm khó khăn này chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt hướng tới những chuẩn mực quốc tế về đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, về chuyển đổi số không chỉ đơn lẻ mà hướng tới giải pháp quản trị tổng thể.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, trước đó đã nhấn mạnh, suy thoái kinh tế lại là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam hình thành tư tưởng phát triển mới, trong đó có việc chuyển đổi sản phẩm sao cho phù hợp với những đòi hỏi của thị trường.
Cách tiếp thị, gắn kết giữa các đối tác và với thị trường cũng đang có sự chuyển dịch đáng kể. Đặc biệt, doanh nghiệp đang tích cực trong chuyển đổi số để hòa cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, các doanh nghiệp BĐS hiện nay cần tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Nếu đi vay thêm vốn từ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu mà vẫn không bán được hàng, tỷ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính sẽ lớn hơn nhiều.
Doanh nghiệp cần chọn tái cấu trúc bằng cách “hy sinh” dự án, lĩnh vực không phải cốt lõi để thu gọn tài chính, giảm nợ vay, chỉ tập trung một vài dự án chủ lực của mình để phát triển.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần “cân nhắc” hỗ trợ một nguồn lực nhất định giúp thị trường có trợ lực vượt qua giai đoạn khó. Đó có thể là nguồn vốn cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho người lao động chưa có nhà ở được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống. Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp.
Nguồn vốn này trước mắt chỉ tập trung ở những vùng phù hợp với giá trị kinh tế phát triển, chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm, không để dòng tiền chảy tiếp vào BĐS đầu cơ, lướt sóng.
Chuyên gia cho rằng, sự suy thoái của BĐS nhìn ở góc độ tích cực cũng là một sự thanh lọc để thị trường lành mạnh hơn, vốn chảy vào đúng lĩnh vực cần thiết, thúc đẩy sự phục hồi phát triển kinh tế, đưa BĐS về đúng giá trị thật.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, nếu không có những sự điều chỉnh, điều tiết bằng chính sách vĩ mô, với sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS như hiện nay, bước vào năm 2023 sẽ vẫn tiếp tục đối mặt với các khó khăn, tạo ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế.
Nói về giải pháp vực dậy thị trường, ông Đính kiến nghị trong thời gian chờ sửa đổi các luật, cần thiết phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt.
Trước đó, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM thì một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động. Diễn biến này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Hoãn hoạt động đầu tư; dừng thi công dự án hiện hữu hoặc không triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Để tháo gỡ những khó khăn trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp BĐS phía Nam đã gửi tới Chính phủ 10 kiến nghị giải pháp để “cứu” thị trường. Trong đó, giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường BĐS an toàn, bền vững.