Thị trường BĐS kỳ vọng "hậu quy hoạch"

Thị trường BĐS kỳ vọng "hậu quy hoạch"

Cơ hội cho các chủ đầu tư

Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang gấp rút hoàn thành, trong tháng 9/2010 sẽ được Hội đồng Thẩm định cấp nhà nước thẩm định trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có thể không ít dự án BĐS sẽ phải “ra rìa” do không hợp tiêu chí quy hoạch, nhưng nhìn tổng thể, Quy hoạch chung, nếu được phê duyệt, sẽ tạo ra “cú huých” cho thị trường BĐS.

Thị trường BĐS kỳ vọng "hậu quy hoạch" ảnh 1
Thị trường BĐS đang chờ đợi một "cú huých".

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong 2 năm trở lại đây, thị trường BĐS Hà Nội khan hiếm nguồn cung do hàng loạt dự án đã bị đình lại để soát xét chờ Quy hoạch chung. Nếu Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt, thì hơn 800 dự án chờ quy hoạch sẽ có cơ hội được cấp phép. Các dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cơ hội đầu tư vào Hà Nội mở rộng sẽ chỉ thực sự bắt đầu khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua.

Nhiều doanh nghiệp cũng nóng lòng chờ quy hoạch, bởi khi  được phê duyệt sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới và hấp dẫn trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị. Nhiều vấn đề được giới đầu tư BĐS rất quan tâm, như giới hạn đầu tư xây dựng khu đô thị mới,  “số phận” của Trục Hồ Tây – Ba Vì, những dự án vướng quy hoạch sẽ được chuyển đổi như thế nào… sẽ có câu trả lời khi Đồ án được phê duyệt.

Rõ ràng, những định hướng phát triển đô thị sau khi Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt sẽ đem lại cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư BĐS tại Hà Nội thêm nhiều cơ hội và triển vọng mới, góp phần làm cho thị trường phát triển bền vững và trở về gần hơn với các giá trị thực của nó, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm chỗ ở và đầu tư chính đáng của người dân.

Kỳ vọng “hậu quy hoạch”

Cơ hội lớn là vậy, nhưng giới đầu tư và doanh nghiệp BĐS còn trông đợi vào sự thay đổi cơ chế chính sách trong việc minh bạch hoá để tránh cơ chế xin - cho trong phê duyệt từng dự án cụ thể.

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) đã khẳng định rằng, sau khi Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt, cần công khai hóa tất cả những dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện. Cụ thể, việc công bố quy hoạch phân khu, các dự án mời gọi đầu tư vào khu đô thị mới, khách sạn, văn phòng cho thuê, nhà ở cao cấp tại các khu vực mở rộng của Hà Nội cũng như đô thị lõi… đều phải công khai hóa để từng loại nhà đầu tư tìm đến. Khi đó, quyền lựa chọn sẽ thuộc về nhà đầu tư và đó sẽ là cơ hội của những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp. Đồng thời, để tránh tình trạng xin – cho, cơ quan chức năng phải chuyển sang hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS cho rằng, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, UBND TP. Hà Nội cần có cơ chế phát triển quỹ đất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất “sạch” sẵn có để kêu gọi đầu tư và điều tiết thị trường khi cần thiết.

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất, sau khi được phê duyệt, đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng tổ chức thông tin tới toàn xã hội về lộ trình hình thành, triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng để người dân nắm bắt được thông tin. Đồng thời, UBND TP. Hà Nội cần tập trung tổ chức triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tại các huyện ngoại thành, làm cơ sở cho địa phương, doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Trần Nhật

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ