Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với xuất khẩu lao động:

Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài

GD&TĐ - Cần thiết phải quy định rõ việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi

Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các điều kiện, tiêu chuẩn đối với NLĐ làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các điều kiện, tiêu chuẩn đối với NLĐ làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Cần thiết phải quy định rõ việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài.

Gắn kết trong công tác tạo nguồn lao động

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa lao động đã qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, gắn kết đào tạo nghề và hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động, tập trung đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài bằng việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cần thiết phải quy định rõ việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài là yêu cầu bắt buộc.

Việc này không chỉ là khuyến khích, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, chính quyền, doanh nghiệp và NLĐ. Đồng thời ban hành cơ chế phối hợp, gắn kết trong công tác tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Cùng với đó là hoạt động triển khai thực hiện mô hình gắn kết đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng của Bộ LĐ-TB&XH (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước) với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành và địa phương.

Qua đó, tạo sự kết nối giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, giáo dục định hướng, ngoại ngữ cho HS, SV. Đồng thời, ký kết hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp dịch vụ đối với một số ngành, nghề, trình độ theo yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.

Việc gắn kết doanh nghiệp với trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài phải được thể hiện bằng các hợp đồng kinh tế, quy định rõ trách nhiệm của các bên để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đào tạo, kinh phí thực hiện. Cùng với đó là chi phí của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Hơn nữa, cần trao đổi, đàm phán với các cơ quan chức năng của nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo nội dung, chương trình chuẩn của nước ngoài, quốc tế. Ký kết thỏa thuận hợp tác trong việc công nhận chứng chỉ trình độ chuyên môn, kỹ năng của Việt Nam với các nước, khu vực.

Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc tận dụng các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng cần được các doanh nghiệp thực hiện triệt để hơn. Đặc biệt các cơ quan, tổ chức chủ trì các chương trình, dự án cần tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin rộng rãi và có sự phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dịch vụ tham gia thực hiện.

Nâng cao trình độ, nhận thức của NLĐ

Cũng theo Cục Quản lý ngoài nước, cần tập trung vào các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm. Bên cạnh đó là đề án hỗ trợ HS, SV khởi nghiệp đến năm 2025; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác.

Chú trọng nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, trong đó có chương trình việc làm ngoài nước.

Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm cơ sở định hướng đào tạo cho thanh niên. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm. Chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiếp nhận lao động.

Tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác tìm kiếm, khai thác và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề có thu nhập cao. Đồng thời, tổ chức tốt việc thống kê, đánh giá về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo ngành, nghề, công việc cũng như thu thập thông tin về xu hướng nhu cầu của các thị trường lao động ngoài nước để xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn lao động phù hợp.

Nghiên cứu và đề xuất Chính phủ xây dựng đề án nâng cao chất lượng nguồn lao động, đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động qua đào tạo nghề đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu thị trường lao động ngoài nước, các điều kiện, tiêu chuẩn đối với NLĐ về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, sức khỏe. Bên cạnh đó là các vấn đề về tiền lương, thu nhập, chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Mục đích để định hướng cho NLĐ chủ động tìm hiểu, nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời qua đó nâng cao nhận thức của người dân và NLĐ về việc đi lao động ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng bị lừa đảo, bóc lột, cưỡng bức lao động và mua bán người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng hợp tin đăng 24h việc làm mới nhấtKhám phá cv đẹp tại VietnamWorks du học nhật bản