Trong chương trình công tác tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đến thăm, làm việc với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka. Ông đã gặp gỡ với các chính khách và nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh tại đây. Hai bên nhấn mạnh đến việc điều chỉnh chính sách, mở rộng quy mô, phạm vi tiếp nhận. Song song đó là tăng cường các yếu tố văn hóa để việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất…
Thúc đẩy phát triển hợp tác nhân lực
Từ năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã giao Trung tâm Lao động ngoài nước trực tiếp ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka, Nhật Bản. Đây là chương trình phi lợi nhuận, chi phí thấp, chính sách tuyển chọn công bằng, minh bạch, được đào tạo nghề, ngoại ngữ kỹ lưỡng, có chất lượng.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch Covid-19, đầu năm 2022, 14 thực tập sinh đầu tiên đã được làm thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Hiệp hội. Ông Takeshima Tenmi, Chủ tịch Hiệp hội báo cáo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về kết quả phối hợp, hợp tác với Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) trong hơn 3 năm qua. Đến nay, chương trình đang phát huy hiệu quả, thực tập sinh Việt Nam có kỹ năng, thành thạo công việc và giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật.
Theo ông Takeshima Tenmi, thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Colab. Để chuẩn bị cho những đợt tiếp nhận thực tập sinh trong thời gian tới, Hiệp hội đã hoàn thành việc xây dựng khu ký túc xá và đặt tên gọi là Ký túc xá Hà Nội. Ngoài ra, Hiệp hội còn tạo nhiều sân chơi mới để thực tập sinh nhanh chóng làm quen với văn hóa Nhật Bản.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự hợp tác của Hiệp hội, nhất là vai trò quan trọng của Chủ tịch Takeshima Tenmi trong thời gian qua. Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng hai bên đã nỗ lực để đưa được 14 thực tập sinh khóa 1 đến Nhật Bản làm việc từ đầu năm 2022.
Để chương trình hợp tác đạt hiệu quả cao hơn nữa, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, đây là chương trình hợp tác có ý nghĩa nhân văn, là chương trình phi lợi nhuận nên cần phải tăng cường sự minh bạch, công bằng trong tuyển dụng. Bên cạnh đó cần quan tâm đặc biệt đến đời sống văn hóa, tinh thần cho các thực tập sinh. Bởi đặc thù của ngành hộ lý là tuyển dụng thực tập sinh nữ, công việc nhiều, vất vả, nên càng phải quan tâm hơn, đồng thời bảo đảm các chế độ tiền lương, thu nhập.
Nghị sĩ Mita Katsuhisa cho biết, ông rất ấn tượng với đất nước và con người Việt Nam qua tiếp xúc với các đoàn cấp cao sang thăm Osaka trong những năm qua, nhất ấn tượng với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Trên cương vị là nghị sĩ, ông luôn thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa hai bên, trong đó có phát triển hợp tác nhân lực.
Thời gian qua, nghị sĩ Mita Katsuhisa đã xúc tiến để một số nghiệp đoàn lớn có nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam ký kết hợp tác trong việc đào tạo, tiếp nhận thực tập sinh hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản làm việc. Gần đây nhất là việc ký với Đại học Đà Nẵng trong việc đào tạo hộ lý, điều dưỡng viên đưa đi thực tập tại Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của nghị sĩ Mita Katsuhisa đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nói chung, quan hệ hợp tác phát triển nguồn nhân lực nói riêng.
“Với bề dày kinh nghiệm 5 nhiệm kỳ là nghị sĩ, ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc góp ý cải tiến các chính sách tiếp nhận thực tập sinh của Nhật Bản. Bên cạnh đó đã hỗ trợ rất nhiều cho thực tập sinh Việt Nam đến Osaka làm việc, quan tâm bảo vệ, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp cho thực tập sinh Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Chú trọng đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghề
Trao đổi về hướng hợp tác nhân lực trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện không chỉ Nhật Bản thiếu hụt nguồn nhân lực, ở Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực phục vụ phát triển. Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao là rất cần thiết, lấy mục tiêu phát triển con người là trọng tâm, là yếu tố quan trọng của mỗi quốc gia.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng bày tỏ sự chưa hài lòng về chất lượng lao động. Ông cho rằng, cả phía Nhật và Việt Nam mới chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ, chưa thực sự quan tâm đến đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghề ở trình độ cao cho người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong các tiếp xúc với người đồng cấp của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Tư pháp, ông luôn nhấn mạnh đến việc điều chỉnh chính sách, mở rộng quy mô, phạm vi tiếp nhận. Song song đó là tăng cường các yếu tố văn hóa để việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất, phấn đấu trong 5 - 7 năm tới số người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản có thể tăng đạt 1 triệu người.
Chủ tịch điều hành nghiệp đoàn EUC - đơn vị đối tác của Công ty MSP International đã báo cáo về kết quả tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao nghiệp đoàn EUC, mặc dù mới chỉ bắt đầu từ năm 2013, nhưng đến nay đã tiếp nhận trên 3.500 thực tập sinh Việt Nam. Thời điểm hiện nay đang trực tiếp quản lý trên 1.500 thực tập sinh với điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định. Đặc biệt, EUC đang xúc tiến chương trình tuyển dụng bộ đội xuất ngũ của Việt Nam để huấn luyện, đào tạo trong thời gian từ 4 - 6 tháng. Sau đào tạo họ sẽ đi làm cho Tập đoàn xây dựng Mukai. Đây sẽ là điểm nhấn mới, góp phần tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ của Việt Nam.
Ông Oike Koji - Chủ tịch Nghiệp đoàn Osaka Collaboration Management - cho biết, nghiệp đoàn của ông đã ký kết với một số đối tác Việt Nam, hiện nay đang tiếp tục triển khai các chương trình đưa thực tập sinh sang Nhật làm việc. Thời gian tới, nghiệp đoàn sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong đào tạo, tuyển chọn điều dưỡng viên sang làm việc tại Osaka.