Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn ở vùng khó

GD&TĐ - Thị xã Buôn Hồ là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị chuyên đề “Bàn giải pháp phát triển giáo dục mũi nhọn đến năm 2030”.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TT)
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TT)

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk; bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ; ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ; ông Trần Ngọc Cẩm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ Sở GD&ĐT, lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện cùng đại diện các đơn vị trường học trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

Đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TT)

Đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TT)

Sẽ có chuyên đề riêng về giáo dục mũi nhọn

Tính đến năm học 2023-2024, thị xã Buôn Hồ có 12 đơn vị hành chính cấp xã với 24 dân tộc anh em cùng chung sống. Có 72 trường học, cơ sở giáo dục, trong đó, cấp tiểu học và THCS có 27 trường với 16.601 học sinh.

Ông Trần Ngọc Cẩm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ, đồng chủ trì Hội nghị báo cáo đề dẫn. (Ảnh: TT)

Ông Trần Ngọc Cẩm, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ, đồng chủ trì Hội nghị báo cáo đề dẫn. (Ảnh: TT)

Mặc dù đã được nâng cấp lên thị xã, tuy nhiên GD&ĐT của địa phương này còn nhiều khó khăn, trong đó, công tác giáo dục mũi nhọn còn nhiều hạn chế.

Theo đó, Hội nghị chuyên đề lần này nằm trong mục tiêu tổng thể, xây dựng Buôn Hồ trở thành đô thị “Giàu đẹp - Sinh thái - Văn Minh - Nghĩa tình”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TT)

Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TT)

“Mục tiêu, xây dựng con người Buôn Hồ phát triển toàn diện, gắn phát triển tri thức với phát triển thể chất, đạo đức và kỹ năng xã hội. Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện GD&ĐT, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, báo cáo đề dẫn nêu.

Thầy Hồ Sỹ Quý, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung báo cáo tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Thầy Hồ Sỹ Quý, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung báo cáo tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Theo đánh giá, có 3 nguyên nhân hạn chế khiến chất lượng giáo dục mũi nhọn tại địa phương chưa đạt kết quả so với kỳ vọng. Công tác phát hiện, tuyển chọn học sinh năng khiếu chưa được các nhà trường quan tâm, đầu tư. Đội ngũ giáo viên làm công tác bồi dưỡng chưa được chuẩn bị tốt cả về chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm. Chưa tổ chức các hội nghị biểu dương, khen thưởng học sinh, giáo viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi, cuộc thi.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND thị xã cũng thẳn thắn nhìn nhận về khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí cho giáo dục mũi nhọn.

Ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Nhằm “gỡ” các nút thắt nêu trên, ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã khẳng định, sẽ tham mưu để Thị ủy Buôn Hồ ban hành Chuyên đề riêng về giáo dục mũi nhọn.

“Trước mắt, chưa có chế tài cụ thể thì sử dụng nguồn lực tự chủ của đơn vị để động viên, khen thưởng, chủ yếu là mặt tinh thần phải kịp thời. Sau Hội nghị, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu cơ chế, chính sách khen thưởng, động viên tương xứng với thành tích của học sinh và thầy cô nỗ lực đạt được. Vấn đề pháp lý khó thì có thể xin hỗ trợ, tư vấn từ Sở GD&ĐT…”, ông Duẩn nêu.

Bảo đảm nhiệm vụ "kép"

Theo thầy Hồ Sỹ Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác giáo dục mũi nhọn là giáo viên phải làm việc “quá tải”.

“Hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy vừa phải bảo đảm chất lượng đại trà, vừa chăm lo chất lượng giáo dục mũi nhọn, cường độ làm việc còn quá tải. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế, nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để các em tham gia các cuộc thi, kỳ thi, sân chơi trí tuệ”, thầy Quý nêu.

Thầy Huỳnh Tấn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Thầy Huỳnh Tấn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Chung quan điểm, thầy Huỳnh Tấn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho rằng, không chỉ làm việc quá tải, đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ở tất cả các môn, lĩnh vực đều “tự thân”.

“Thầy cô tự tìm tài liệu, soạn chương trình bồi dưỡng. Vừa dạy, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Học sinh cũng phải bảo đảm học chính khóa và thời gian bồi dưỡng”, thầy Minh cho hay.

Thầy Dương Ngọc Cường, giáo viên Vật lý, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ tham gia thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Thầy Dương Ngọc Cường, giáo viên Vật lý, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ tham gia thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều mong muốn địa phương sớm có “cơ chế đặc thù” cho công tác giáo dục mũi nhọn như, hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng, kinh phí khen thưởng, mời chuyên gia từ Sở, Bộ GD&ĐT, các trường đại học... UBND thị xã, phòng GD&ĐT cần xây dựng kế hoạch dài hơi, bền vững để định hướng cho các nhà trường trong việc xây dựng chiến lược giáo dục của đơn vị.

TS Lê Thị Thảo, Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

TS Lê Thị Thảo, Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: TT)

Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Thị ủy đề nghị, UBND và các bộ phận tham mưu sớm hoàn thành Nghị quyết để trình HĐND thị xã ban hành thành hành lang pháp lý. Nhằm động viên, khuyến khích giáo viên, học sinh hăng say, yên tâm, tâm huyết trong việc bồi dưỡng mũi nhọn.

“Trong điều kiện của Thị xã còn nhiều eo hẹp về kinh tế, đề nghị UBND thị xã quan tâm đến giáo dục trên cơ sở có sự ưu tiên theo thứ tự, thứ bậc. Cái nào cấp thiết thì đầu tư trước, cái nào cần thời gian thì nghiên cứu kĩ, đầu tư sau. Ưu tiên nguồn lực thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục mũi nhọn gắn với giáo dục đại trà và giáo dục vùng dân tộc thiểu số”, bà Nguyệt cho hay.

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ mong đội ngũ nhà giáo phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. (Ảnh: TT)

Bí thư Thị ủy Buôn Hồ mong đội ngũ nhà giáo phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. (Ảnh: TT)

Bà Nguyệt cũng trải lòng, người làm Giáo dục của Thị xã phải mở rộng tầm nhìn ra bên ngoài, nhìn sang đơn vị bạn, tỉnh bạn để học tập kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế. Phải “liệu cơm gắp mắm”, tăng cường vận động sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục.

“Những cái gì thuộc chính sách thì thực hiện đúng, đủ. Cái gì xã hội hóa thì phải có sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu hướng đến tính hiệu quả trong giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà. Trước hết là phát huy nội lực của ngành giáo dục, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ, tình yêu nghề, yêu trò của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”, bà Nguyệt nêu.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa ghi nhận nỗ lực của ngành GD thị xã Buôn Hồ. (Ảnh: TT)

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa ghi nhận nỗ lực của ngành GD thị xã Buôn Hồ. (Ảnh: TT)

Còn theo đánh giá của Sở GD&ĐT, so với các địa phương khác, chất lượng giáo dục mũi nhọn của thị xã Buôn Hồ chưa đạt nhiều kết quả cao như kỳ vọng của tỉnh.

“Ngoài TP Buôn Ma Thuột, các huyện Ea Kar, Cư M’gar là những địa phương có sự đầu tư về giáo dục mũi nhọn tốt, luôn đạt thành tích cao tại các kỳ thi, cuộc thi. Vì vậy, thị xã Buôn Hồ cũng có thể tranh thủ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để xây dựng hướng đi phù hợp”, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT định hướng.

Kết luận Hội nghị, ông Đặng Gia Duẩn khẳng định, GD&ĐT là sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

"Cái gì đã bàn, đã quyết trong Hội nghị thì phải quyết tâm làm với tinh thần chỉ bàn tiến, không bàn lùi, không để "mũi nhọn" thành "mũi tù”. Trước hết, giao phòng GD&ĐT chủ trì phối hợp tham mưu, đề xuất cơ chế phù hợp cho giáo dục mũi nhọn cũng như những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý", ông Duẩn quả quyết.

Người đứng đầu UBND thị xã cũng thẳng thắn, lãnh đạo địa phương luôn tạo điều kiện tối đa để phòng GD&ĐT phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Ban tổ chức trao máy vi tính cho các đơn vị trường học. (Ảnh: TT)

Ban tổ chức trao máy vi tính cho các đơn vị trường học. (Ảnh: TT)

Tại Hội nghị, UBND thị xã đã trao 30 bộ máy vi tính cho các đơn vị, trường học. Đây là quà tặng do ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã kết nối từ 1 đơn vị giáo dục tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ.

UBND thị xã cũng trao quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý 7 đơn vị, trường học trên địa bàn.

Cũng tại Hội nghị, ông Lê Đình Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, nếu địa phương tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất... thì sẽ nghiên cứu, đầu tư xây dựng 1 trường liên cấp 1-2 (bán trú) tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ