Khi ngôn ngữ Việt được nhiều người ngoại quốc biết đến, cộng đồng người Việt và người nước ngoài có chung tiếng nói, hiểu được nhau ắt hẵn sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác, tình đoàn kết hữu nghị sẽ ngày một bền chặt hơn. Lan tỏa ngôn ngữ Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại đất nước bạn là việc làm rất cần thiết.
Hiểu được tầm quan trọng của việc giảng dạy Tiếng Việt trên đất nước bạn Lào, trong suốt thời gian sinh sống và làm việc tại đây, tôi đã không ngừng học tập và cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước Việt Nam giao phó.
Tôi xin chia sẻ một số giải pháp lan tỏa Tiếng Việt tôi đã thực hiện thành công trong thời gian công tác tại Lào.
Học tập tiếng Lào, tiếp cận nét văn hóa đặc trưng của người bản xứ
Để lan tỏa Tiếng Việt một cách nhanh nhất, thích hợp nhất, việc làm đầu tiên của tôi là phải học tiếng Lào. Tôi ghi nhớ bảng chữ cái, đọc đúng cả âm điệu và âm lượng của từng con chữ, học thuộc lòng các vần. Tôi phải ghép được vần, ghép được tiếng và đọc đúng tiếng, hiểu được ý nghĩa của tiếng, từ. Tập nói câu với tiếng vừa ghép được. Chăm nói tiếng Lào với người Lào để quen với giọng điệu và để nhớ từ (mặc dù lời nói bập bẹ như trẻ con, sai sót, quên từ,…). Cách học tập tiếng Lào của tôi như thế nào, tôi truyền thụ lại cho người học Tiếng Việt đúng theo các bước như vậy.
Tôi luôn gần gũi, tạo mối quan hệ thân thiết để hiểu được tâm tư, tình cảm của Kiều bào và người Lào. Bên cạnh đó tôi tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng cơ bản nơi đang sinh sống và làm việc, cụ thể là: thăm gia đình của các bạn đồng nghiệp, gia đình các kiều bào, mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa địa phương, tham dự các buổi tiệc giao lưu, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ cưới, lễ Tết cổ truyền,…
Việc hiểu được tiếng nói, hiểu được cách nói, cách sống, cách làm việc và những nét văn hóa đặc trưng của người bản xứ sẽ giúp tôi có phương pháp giảng dạy Tiếng Việt thích hợp hơn. Tôi có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy Tiếng Việt phù hợp với từng đối tượng. Thông qua việc tiếp cận trên, tôi kết hợp giới thiệu, trao đổi, quảng bá về văn hóa, du lịch, ẩm thực,… hình ảnh đất nước và con người Việt Nam để kích hoạt lòng ham thích, ngưỡng mộ và mong muốn được đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp và tìm hiểu con người Việt Nam.
Cũng từ việc giới thiệu đó người học sẽ cảm nhận được tâm ý người thầy, hiểu được những ý tưởng mà thầy đang dẫn dắt, truyền đạt. Học viên hiểu được bài, nhớ bài học, cảm thấy học Tiếng Việt dễ hơn bao giờ hết. Người học yêu thích Tiếng Việt, chăm chỉ học từng ngày. Đó là sự thành công bước đầu của công tác giảng dạy.
Giáo viên giúp học viên nhớ vần, đọc tiếng và sử dụng từ trong câu nói. |
Các bước giúp lan tỏa Tiếng Việt
Tôi tham gia giảng dạy Tiếng Việt tại Bộ môn Tiếng Việt của khoa Giáo dục Trường Đại học Champasak với tổng số tiết dạy chính khóa dành cho sinh viên của trường bình quân 14 tiết/ tuần. Thời gian dạy chưa nhiều, tôi xin được trợ giúp giảng dạy miễn phí cho trung tâm Tiếng Việt khi giáo viên có việc bận, nghỉ đột xuất,… Mục đích của việc tăng cường này để được thực hành, trải nghiệm tiếng Lào. Tôi đề xuất với khoa giáo dục mở thêm lớp học Tiếng Việt 3 tháng và tôi được tham gia giảng dạy với hai hình thức học: học xuyên suốt cả tuần và chỉ học ngày thứ 7, chủ nhật dành cho các cán bộ của trường và của tỉnh.
Tôi đã phối hợp với báo chí Việt Nam, tạp chí Lào-Việt đăng tải nhiều bài viết về hiệu quả của chuyên ngành Tiếng Việt, quảng bá hình ảnh Trường Đại học Champasak. Phối hợp với các ban ngành đoàn thể tỉnh Champasak truyền thông chất lượng chuyên ngành Tiếng Việt để thu hút sinh viên, học viên học tập. Kết quả số lượng sinh viên, học viên tăng lên đáng kể. Hai năm liền trước khi tôi đến số sinh viên tham gia học: năm đầu 9 em, năm sau giảm xuống còn 5 em, sau khi quảng bá số sinh viên hiện có 18 em đang học năm thứ nhất tại trường.
Trong quá trình công tác, tôi tích cực hòa đồng, thân thiện và tạo được sự gắn bó mật thiết với các giảng viên trong bộ môn, trong khoa và trường Đại học. Thường xuyên trao đổi chuyên môn, tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình giảng dạy tiếng Việt cho các giảng viên.
Tích cực hỗ trợ các giảng viên trong việc tìm tài liệu và biên soạn các giáo trình giảng dạy bằng Tiếng Việt. Tôi đã phối hợp với các giảng viên trường Đại học Đồng Tháp để cung cấp tài liệu và biên soạn được 7 giáo trình giảng dạy các môn học: Văn học Việt Nam, Địa lí Việt Nam, Chính trị Việt Nam, Chính sách đối ngoại Việt Nam, Văn hóa Việt Nam, Kỹ năng đọc, Kỹ năng viết. Để các giáo trình giảng dạy đạt hiệu quả hơn, tôi giải thích những từ ngữ mà thầy cô chưa rõ, chia sẻ những phương pháp tích cực, soạn bài giảng điện tử tích hợp các kỹ thuật dạy học và đổi mới phương pháp giảng dạy. Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho nhà trường.
Ví dụ khi trao đổi về việc giải nghĩa từ, tôi đã chia sẻ cách làm như sau: So sánh từ, giải thích bằng hình ảnh, bằng cách gợi ra cảm xúc, gán từ vào ngữ cảnh,… Nhưng giải nghĩa từ tiếng Việt bằng tiếng Lào không thể bỏ qua. Điều này rất có ích cho việc dịch câu tiếng Việt sang tiếng Lào và ngược lại, ở những giai đoạn sau.
Tôi đưa ra những lưu ý để các giảng viên khắc sâu hơn: Khi thực hiện bước này, người dạy không nên lạm dụng, sa đà vào việc giải thích từ ngữ. Nên xem việc giải thích từ ngữ là để tạo sự sôi động, lớp học không buồn chán, làm tăng hứng thú người học. Vì vậy chỉ chọn giải thích đại diện một vài từ. Mục tiêu chính của bước này vẫn là đọc đúng.
NGƯT Tô Ngọc Sơn và học viên tham gia lớp học Tiếng Việt ngắn hạn tại Trường ĐH Champasak (Lào). |
Cô Anonglak là một trong những giảng viên người Lào rất đam mê giảng dạy Tiếng Việt. Qua trao đổi và thông hiểu chuyên môn cô đã mạnh dạn sắp xếp lại nội dung giảng dạy phù hợp với thời gian học của từng đối tượng theo khung năng lực Tiếng Việt dành cho người nước ngoài.
Cô bắt đầu rèn luyện từ việc học bảng chữ cái, âm, vần; tập đọc, tập nói tiếng, từ... đến việc luyện giao tiếp theo chủ đề; luyện viết đoạn văn theo chủ đề. Cô chú trọng vào việc phát huy năng lực người học. Khi học viên đọc, viết được tiếng Việt, cô tăng cường hoạt động thực hành trải nghiệm. Từng giờ dạy của cô đã gây ấn tượng, thu hút, đã thật sự mang lại hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.
Song song với việc làm đó, tôi chăm chút thiết kế những bài giảng điện tử để giảng dạy các môn học tôi được phân công. Những bài giảng của tôi luôn sinh động, bắt mắt, hấp dẫn dễ học, dễ nhớ. Trong mỗi bài giảng, tôi đổi mới phương pháp vận dụng sáng tạo các kỹ thuật dạy học để sinh viên và học viên học tập không bị nhàm chán, hăng say học tập đạt hiệu quả.
Chẳng hạn: Muốn người học nhớ vần, nhớ cách ghép phụ âm với vần để được tiếng thì người dạy cần phải chủ đích tạo từ, có thể dùng ngay từ mà người học vừa ghép được. Hãy chọn lọc những từ gần gũi, dễ đọc, dễ nhận thấy, dễ hiểu và có thể nhớ lâu,… như vậy người học sẽ rất vui, ham thích học tập.
Khi người học có thái độ tích cực học tập, người dạy phải khéo nâng cao kỹ năng nhận biết tiếng, từ mà người học được tiếp cận bằng cách tập nói câu ngắn có tiếng, từ đã được khám phá. Người dạy không nên giới hạn số lượng tiếng, từ trong câu. Học viên nói tròn câu, đủ ý là được.
Tập nói thạo câu ngắn là bước ngoặc quan trọng có thể xem là chìa khóa kích hoạt độ nhạy bén, khả năng ứng xử linh hoạt của học viên khi sử dụng Tiếng Việt. Người dạy nên khuyến khích học viên nói theo nhiều cách khác nhau, tuyệt đối không được chê trách hay đánh giá, nhận xét học viên sai. Hãy động viên khuyến khích học viên cảm nhận và nói theo cách hay mà người dạy chủ động nêu ra.
Học viên nói được câu, câu nói đúng ý nghĩa sẽ tăng độ hứng thú học tập lên gấp bội phần. Lớp học sinh động. Điều này thể hiện rõ sự thành công của người dạy và giờ dạy đạt mục tiêu đề ra. Trong quá trình thi nhau nói câu ngắn, người dạy cần giới thiệu thêm với người học về cách nói của người Việt. Cách làm này không chỉ giúp học viên nhận thấy cách nói sai mà người học luôn phát hiện cách nói hay, phù hợp với giọng điệu người Việt.
Cách nói người Việt chỉ nên chia theo 2 kiểu để người học dễ nhớ: Nói vắn tắt, câu tỉnh lược, cách nói này thường dành cho câu hỏi, câu trả lời; nói đầy đủ, câu có đủ 2 bộ phận chính và có thể có các bộ phận phụ, cách nói này rõ ý và hay.
Điểm lưu ý quan trọng trên đòi hỏi sự linh hoạt của người dạy rất cao. Người dạy vừa phải nhạy bén lựa chọn và khéo sử dụng câu vừa tiếp sức sửa chữa câu cho học viên theo nguyên tắc khuyến khích học viên nói, hăng say nói và dần dần nói hay nói chuẩn; học viên không rụt rè, nhút nhát sợ sai khi tập nói.
Sau khi học viên nói tốt câu ngắn, người dạy cần vun đắp sự say mê học tập của học viên bằng những lời khen khi nói được câu dài, câu có ý nghĩa hay đúng cấu trúc ngữ pháp,…. Không dừng lại ở khả năng nói câu mà cần giao việc thêm cho học viên lần lượt viết đoạn giới thiệu theo các chủ đề: Một ngày của bạn; Gia đình của tôi; Bản thân tôi; Thời tiết đất nước tôi; Kinh nghiệm của tôi trong thời gian học Tiếng Việt,….
Dạy học Tiếng Việt trên đất Lào. |
Hoạt động bổ trợ lan tỏa Tiếng Việt
Nhằm giúp cho nhà trường rèn luyện sinh viên có vốn kiến thức Tiếng Việt và kĩ năng vững vàng sau khi tốt nghiệp, tôi mạnh dạn đóng góp chương trình đào tạo, hỗ trợ thiết kế chương trình khung đào tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bổ sung một số môn học cần thiết vào chương trình.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tôi đã kết nối Trường Đại học Champasak kết nghĩa với các đơn vị tại Đồng Tháp (Trường Đại học Đồng Tháp, Sở GD&ĐT Đồng Tháp). Trong đó, lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Đồng Tháp – Trường Đại học Champasak; Trường Đại học Đồng Tháp – Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Champasak đã được truyền thông trên báo chí Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm giúp cho các giảng viên cũng như học viên có môi trường tiếp cận, tra cứu, trải nghiệm Tiếng Việt, tôi đã vận động các thư viện tại khu vực miền Nam Việt Nam tài trợ các loại sách Tiếng Việt, các giáo trình Tiếng Việt để mở thư viện Tiếng Việt tại trường Đại học Champasak. Các đơn vị tài trợ cụ thể: Trường Đại học Đồng Tháp; Thư viện tỉnh Đồng Tháp; CTCP sách & thiết bị giáo dục Cửu Long.
Trên đây là những hoạt động tôi đã thực hiện được trong quá trình sinh sống, công tác tại Lào. Những ý nghĩ và những việc tôi đã làm xuất phát từ tâm thiện nguyện, giúp đỡ nhà trường theo đúng mục tiêu mà Chương trình hợp tác giữa Giáo dục hai đất nước Việt Nam - Lào đề ra.
Những cách làm trên cũng chỉ mang tính chất cá nhân, là một trong số rất nhỏ của nhiều giải pháp mà thầy cô, các anh chị và các em đi trước đã làm. Tôi rất mong được đón nhận sự đóng góp, chia sẻ từ phía các đồng nghiệp để cùng nhau hoàn thành sứ mệnh, tạo tình hữu nghị Việt Lào ngày một bền chặt hơn.