Giải pháp hợp tác quốc tế với giáo dục chuyên nghiệp

GD&TĐ - Hợp tác quốc tế là một trong 9 giải pháp quan trọng thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm tăng cường huy động nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập khu vực càng trở nên cần thiết.

Giải pháp hợp tác quốc tế với giáo dục chuyên nghiệp

Nội dung này được nhấn mạnh trong báo cáo tổng kết năm học 2015 - 2016, phương hướng nhiệm vụ năm học 2016 - 2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp.

Mục tiêu chính là mở rộng hợp tác quốc tế, có ưu tiên quốc gia và lĩnh vực hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đào tạo ở trình độ trung cấp.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước để nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế; liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định chất lượng.

Nhiệm vụ chính trong hợp tác quốc tế đối với giáo dục nghề nghiệp là hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao tự chủ, chủ động hợp tác quốc tế, bồi dưỡng nghiệp vụ hợp tác quốc tế cho lãnh đạo quản lý nhà trường và cán bộ quản lý hành chính giáo dục, tiếp tục thực hiện các cam kết hợp tác với các đối tác Úc, Newzealand, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Pháp, Canada và một số đối tác ở châu Âu;

Khuyến khích các cơ sở đào tạo hợp tác liên kết với cơ sở giáo dục có chất lượng ở nước ngoài; xây dựng cơ chế công nhận văn bằng giữa các quốc gia trên cơ sở Khung trình độ quốc gia Việt Nam;

Tăng cường truyền thông bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT và các trường để tuyên truyền chính sách phát triển và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam; nghiên cứu giới thiệu những thế mạnh mà các đối tác nước ngoài quan tâm để cơ sở giáo dục tham khảo.

Để thực hiện hợp tác quốc tế hiệu quả cần có chính sách và chiến lược, trong đó ưu tiên lựa chọn các đối tác với các lĩnh vực hợp tác tương ứng; có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chặt chẽ hành vi hợp tác quốc tế;

Các địa phương và các trường cần chủ động tìm kiếm đối tác trên cơ sở định hướng chiến lược của quốc gia trong lĩnh vực hội nhập và hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ