Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng
Hội thảo khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức, nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM. Đồng thời, đề xuất quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, nội dung, giải pháp tạo đột phá đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc Hội; Vụ khoa giáo Văn phòng Chính phủ; Đại học Quốc gia và các đại học vùng; các trường đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực khoa học cơ bản; đại diện một số sở GD-ĐT của một số địa phương trong cả nước và các trường THPT chuyên; các chuyên gia, nhà khoa học.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo chỉ rõ: Trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM. Nhưng đa phần dư luận xã hội ở ta hiện nay lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học. Từ đây mở ra muôn vàn kế hoạch hành động cho các cơ sở giáo dục và các tổ chức KHCN của nước nhà trong thời gian tới. Và đó chính là thành quả mong muốn quan trọng, đầu tiên, trước hết của Hội thảo này.
Từ chính sách đến thực tiễn
Phiên thảo luận do TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo chủ trì. Các ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, trường đại học, sở GD&ĐT, trường phổ thông, doanh nghiệp công nghệ, các nhà khoa học đều nhấn mạnh, ý nghĩa, tầm quan trọng của STEM.
TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Các tham luận tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực STEM: Nghiên cứu trường hợp tại Đại học Thái Nguyên của PGS.TS Nguyễn Danh Nam và PGS.TS Nguyễn Hữu Công; Các tác giả PGS.TS Mai Thanh Phong, PGS.TS Đặng Đăng Tùng, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, PGS.TS Hoàng Trang và TS Võ Đại Nhật đã đưa ra giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM - Kinh nghiệm tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
Quy hoạch việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ việc hình thành thị trường khoa học công nghệ, TS Trịnh Quang Khải (Trường Đại học Giao Thông Vận Tải) đã đưa ra những giải pháp thiết yếu trong công tác điều hành của chính phủ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ; Phát triển các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0, của PGS.TS Nguyễn Đắc Trung (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng làm rõ những nội dung liên quan.
Nhiều tham luận gửi đến Hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của chính sách. Đó là Phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao: Từ chủ trương của Đảng đến chính sách của Nhà nước vấn đề đặt ra, tham luận của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, của GS.TS Trần Xuân Nam - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Công ty Technology.
"Với vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của STEM và những vấn đề lớn đặt ra như vậy, qua Hội thảo này, chúng ta nhận thức sâu sắc nhân lực STEM chất lượng cao, trình độ cao chính là nguồn lực cạnh tranh quốc tế của các quốc gia phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0.
Chúng ta kỳ vọng từ hôm nay trở đi, STEM sẽ luôn là một trong những từ khóa trong các văn kiện, trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. STEM cũng sẽ luôn là một trong những từ khóa trong chiến lược và kế hoạch phát triển của giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông", GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.