Giải pháp cho trẻ sơ sinh

GD&TĐ - Thông thường, trẻ sơ sinh bị táo bón khi bắt đầu chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức và các loại thức ăn đặc.

Cha mẹ có thể massage bụng cho bé để dễ đi tiêu hơn. Ảnh minh họa
Cha mẹ có thể massage bụng cho bé để dễ đi tiêu hơn. Ảnh minh họa

Thông thường, trẻ sơ sinh bị táo bón khi bắt đầu chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức và các loại thức ăn đặc. Hoặc, do chuyển từ các loại thức ăn nhuyễn sang thức ăn thô hơn.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh táo bón

ThS.BS Nguyễn Thị Anh Tiên - Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, đôi khi, trẻ không thể nói với cha mẹ rằng mình khó chịu khi đi tiêu. Tuy nhiên, phụ huynh rất dễ nhận thấy con mình đang táo bón và điều đó sẽ ảnh hưởng đến trẻ.

Theo chuyên gia này, sữa mẹ có rất nhiều dinh dưỡng. Do đó, đôi khi, cơ thể bé có thể hấp thu gần hết, chỉ còn lại một phần rất ít thải ra đường tiêu hoá. Vì vậy, em bé bú mẹ có thể hoàn toàn bình thường khi đi tiêu 1 lần/tuần. Trong khi đó, một số trẻ có thể có nhu động ruột chậm hơn. Khi đó, bé đi tiêu không thường xuyên, nhưng vẫn hoàn toàn bình thường trừ khi có dấu hiệu đau hoặc khó chịu.

Trong một số ít trường hợp, trẻ có vấn đề thực thể gây táo bón thực sự như: Rối loạn cơ thắt ruột hoặc có tắt nghẽn đường ruột. Theo ThS Nguyễn Thị Anh Tiên, táo bón ở trẻ sơ sinh không đơn thuần là em bé đi tiêu bao nhiêu lần/ngày hoặc /tuần, mà còn là trẻ đi tiêu như thế nào. Nếu bé đi tiêu phân mềm, dễ đi tiêu, thì việc trẻ đi tiêu 4 - 5 ngày một lần vẫn bình thường.

Chia sẻ về các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh, ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, điều quan trọng là khi bé gặp tình trạng này, cha mẹ cần phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp.

“Thông thường, trẻ sơ sinh bị táo bón khi bắt đầu chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức và các loại thức ăn đặc. Hoặc, do chuyển từ các loại thức ăn nhuyễn sang thức ăn thô hơn. Sự thay đổi trong chế độ ăn uống hằng ngày của trẻ sơ sinh khiến cơ chế nhu động ruột của bé không kịp làm quen, dẫn đến táo bón. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng trong chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu chất xơ và chất lỏng cũng có thể khiến tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh xảy ra và trở nên nghiêm trọng hơn”, chuyên gia giải thích.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh được nuôi ăn bằng sữa mẹ hoàn toàn cũng có thể bị táo bón. Lý do là vì sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng của mẹ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Nếu mẹ thường xuyên ăn các loại thực phẩm cay nóng, khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm, hay ăn uống thiếu chất, ăn ngủ không hợp lý, thì sẽ khiến sữa bị giảm chất lượng. Từ đó, trẻ dễ bị táo bón khi nạp vào cơ thể những chất dinh dưỡng này.

Hầu hết các thay đổi trong thói quen sinh hoạt đều có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột của trẻ sơ sinh. Từ đó, khiến trẻ khó đi tiêu, dẫn đến táo bón. Sự thay đổi thói quen này có thể do thời tiết như quá nóng hay quá lạnh, sự thay đổi chỗ ngủ, môi trường,… Ngoài ra, theo ThS Duy Tùng, táo bón ở trẻ sơ sinh có thể sẽ thường xuất hiện hơn nếu trẻ uống sữa công thức.

Điều này có thể được lý giải bởi sữa công thức chứa quá nhiều đạm khiến trẻ không tiêu hóa được hết lượng đạm trong sữa. Nếu đây chính là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, mẹ nên thay đổi một loại sữa khác và bắt đầu tập cho bé uống với liều lượng đúng theo hướng dẫn sử dụng được ghi trên bao bì.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể bị táo bón bởi một số bệnh lý nguy hiểm hiếm gặp như: Gặp vấn đề với các đầu dây thần kinh trong ruột, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, thiết hụt tuyến giáp hay một số vấn đề liên quan đến tủy sống.

Dù đi tiêu không thường xuyên, nhưng trẻ có thể vẫn hoàn toàn bình thường, trừ khi có dấu hiệu đau hoặc khó chịu. Ảnh minh họa

Dù đi tiêu không thường xuyên, nhưng trẻ có thể vẫn hoàn toàn bình thường, trừ khi có dấu hiệu đau hoặc khó chịu. Ảnh minh họa

Xây dựng thói quen đi vệ sinh

ThS Duy Tùng cho biết, các biện pháp điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh thường hướng về điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thói quen mới. Trước hết, cần luyện tập thói quen vệ sinh cho trẻ. Đây là một trong những mẹo trị táo bón hiệu quả nhất.

Một số nghiên cứu cho thấy, thời điểm tốt nhất để đi vệ sinh là sau bữa ăn. Thói quen đi vệ sinh của bé cần được xây dựng dựa trên khoảng thời gian trẻ thường đi vệ sinh nhất và cữ ăn. Từ đó, nhằm xác định thời gian cũng như tình trạng đi tiêu của trẻ. Bằng cách này, mẹ có thể xác định thời gian “xi” hợp lý.

Nhờ đó, rèn luyện cho trẻ thói quen đi vệ sinh mỗi lần mẹ phát ra tiếng “xi”. Nếu trẻ bị táo bón nặng, phụ huynh có thể dùng nước ấm để kích thích cơ vòng hậu môn thả lỏng, giúp bé dễ đi ngoài hơn. Đồng thời, tắm nước ấm cũng khiến trẻ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn, làm dịu cảm giác đau tức vùng bụng do đầy hơi, táo bón.

Một phương pháp khác là massage bụng cho bé. Theo ThS Duy Tùng, việc massage theo chiều kim đồng hồ đều đặn cho bé mỗi ngày sẽ kích thích nhu động ruột của trẻ hoạt động linh hoạt hơn.

Từ đó, hỗ trợ việc đẩy phân ra ngoài. Cha mẹ cũng nên kết hợp vận động, massage cho trẻ. Bởi, việc vận động nhiều hơn không chỉ giúp trẻ rèn luyện một cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh mà còn khiến các cơ quan trong hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

“Đối với trẻ sơ sinh còn đang bú mẹ hoàn toàn, mặc dù bị táo bón sẽ kén ăn hay thậm chí là bỏ bú, nhưng mẹ nên cố gắng cho con bú đủ sữa trong mỗi cữ bú. Bên cạnh đó, mẹ nên cân chỉnh lại chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình, thêm nhiều chất xơ, chất khoáng và vitamin, uống đủ nước”, chuyên gia khuyến cáo.

Các chất này sẽ dung nạp vào bên trong cơ thể, chuyển hóa vào sữa mẹ, giúp trẻ hấp thụ dễ dàng. Từ đó, giúp phân của trẻ mềm hơn, dễ bị đẩy ra ngoài, cải thiện tình trạng táo bón. Hơn nữa, mẹ nên bổ sung sữa chua vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày để tăng cường lợi khuẩn, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Mẹ hạn chế các món ăn cay, nóng, thức uống có cồn,…

Đối với trẻ đã bắt đầu ăn dặm, cha mẹ nên chú ý bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong thực đơn của bé. Đồng thời, bổ sung thêm một số loại trái cây, rau quả để tăng cường lượng chất xơ cho trẻ.

Phụ huynh được khuyến cáo đưa trẻ đi khám bác sĩ khi bé cảm giác khó chịu mỗi lần đi tiêu, tiêu phân cứng, phân máu hoặc đen. Hoặc, trẻ không đi tiêu ít nhất 1 lần mỗi 5 ngày. Nếu trẻ đang bú bình, cha mẹ nên đổi sữa công thức khác cho bé sau khi đã khám bác sĩ. Lưu ý, táo bón không phải là nguyên nhân để dừng sữa mẹ. Cha mẹ nên cho trẻ uống thêm ít nước có màu sẫm như nước ép mận hoặc lê. Hoặc, cho trẻ uống thêm ít nước nếu bé trên 4 tháng tuổi, nhưng không được nhiều quá 50ml/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.