Cảnh báo nguy cơ trẻ sơ sinh tử vong do uốn ván

GD&TĐ - Trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn.

Khi mẹ được tiêm chủng đủ, kháng thể sẽ được truyền sang con để bảo vệ trẻ trước các nguy cơ mắc bệnh. (Ảnh minh họa)
Khi mẹ được tiêm chủng đủ, kháng thể sẽ được truyền sang con để bảo vệ trẻ trước các nguy cơ mắc bệnh. (Ảnh minh họa)

"Sát thủ” quay trở lại

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 8 trường hợp uốn ván sơ sinh.

Riêng trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận liên tiếp 4 trẻ, trong khi trước đây, trung bình 1 tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận 1 bệnh nhi bị uốn ván sơ sinh.

TS.BS Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM), cho biết, một tháng qua có liên tiếp 4 trẻ bị uốn ván sơ sinh nhập viện.

Hiện, 1 bệnh nhi vừa được xuất viện, 3 bệnh nhi đang điều trị tích cực, trong đó, có 2 trẻ thở máy.

Theo bác sĩ Quý, Việt Nam đã công bố loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Tuy nhiên, bệnh uốn ván đang có nguy cơ quay trở lại.

Bệnh nhi đang thở máy là L.A.V. (ngụ Bình Phước). Khai thác bệnh sử cho thấy, sau sinh 3 ngày, bệnh nhi nhập viện tỉnh trong tình trạng bỏ bú, cứng hàm, gồng người. Sau đó, trẻ được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).

Bệnh nhi tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong tình trạng gồng, suy hô hấp.

Tại đây, các bác sĩ đặt nội khí quản, cho thở máy hỗ trợ hô hấp, điều trị nội khoa tích cực chống co giật và điều trị uốn ván.

Hiện, bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em.

Theo bác sĩ Quý, bệnh nhi này được sinh ra tại nhà và cắt dây rốn bằng tre nứa.

"Việc cắt dây rốn bằng dao lam, tre nứa không đảm bảo vô trùng, dẫn đến nguy cơ gây nhiễm trùng. Nếu không được chăm sóc kỹ sau sinh, trẻ sinh ra cũng không được tiêm ngừa đầy đủ nên bị nhiễm vi trùng uốn ván”, chuyên gia cho biết.

Một bệnh nhi khác ngụ Bình Phước được bệnh viện tỉnh chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Trước đó, trẻ bỏ bú sau sinh 5 ngày, nhập viện tỉnh trong tình trạng gồng cứng người, cứng môi, suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy, tiếp tục hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc chống co giật.

Hiện, trẻ được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em, tiên lượng khả quan.

Theo bác sĩ Quý, bệnh nhi này cũng được sinh ra tại nhà và cắt dây rốn bằng dao lam.

Trẻ được cắt dây rốn bằng các dụng cụ không đảm bảo vô trùng, dùng lá cây để đắp lên rốn sau cắt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trong môi trường yếm khí phát triển, gây bệnh cho trẻ sơ sinh.

Phòng hơn chống

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn.

Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh.

Trong một số trường hợp, tổ chức của cơ thể bị hoại tử hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn, tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

Trong đó, trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn.

Hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn, dẫn đến nhiễm nha bào uốn ván.

Bệnh uốn ván sơ sinh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà do “bà đỡ vườn” theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Từ trước khi triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Việt Nam, uốn ván là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến và nguy hiểm.

Bệnh nằm trong nhóm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt với uốn ván ở trẻ sơ sinh.

Năm 1991, Việt Nam vẫn ghi nhận tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh ở mức rất cao, lên tới 0,7 trẻ/100.000 dân.

Qua nhiều năm nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh uốn ván cho trẻ và cho bà mẹ, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, số mắc uốn ván sơ sinh và uốn ván ở bà mẹ đã giảm hàng chục lần so với trước.

Việt Nam cũng đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh trên quy mô toàn quốc năm 2005.

Tuy nhiên, những năm gần đây, rải rác vẫn còn một số ca mắc uốn ván sơ sinh ở vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ bà mẹ sinh tại nhà cao với điều kiện sinh đẻ không đảm bảo.

Theo lịch tiêm chủng hiện hành, vaccine uốn ván được sử dụng tiêm cho phụ nữ theo lịch.

Mũi 1 cần được tiêm càng sớm càng tốt khi có thai lần đầu hoặc tiêm ngừa cho nữ độ tuổi sinh đẻ (15 - 35 tuổi) ở vùng có nguy cơ cao. Tiêm mũi 2 ít nhất 1 tháng sau mũi 1.

Tiêm mũi 3 ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc ở lần có thai sau. Tiêm mũi 4 ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc trong kỳ có thai sau. Tiêm mũi 5 ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc trong kỳ có thai sau.

Không có khoảng cách tối đa giữa các mũi tiêm uốn ván.

Khi mẹ được tiêm chủng đủ, kháng thể sẽ được truyền sang con để bảo vệ trẻ trước các nguy cơ mắc bệnh, nhất là trong điều kiện sinh đẻ ở miền núi, sinh tại nhà và có các yếu tố có thể dẫn đến bệnh uốn ván sơ sinh, như: Cắt rốn bằng dao bẩn, có dính tro bếp hoặc chất bẩn khác chứa nha bào uốn ván…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ