Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh: Hiếm gặp nhưng gây tử vong nhanh

GD&TĐ - Sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ sơ sinh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Ca mắc SXH xuất hiện sớm hơn mọi năm. Ảnh minh họa
Ca mắc SXH xuất hiện sớm hơn mọi năm. Ảnh minh họa

Trẻ sơ sinh bị SXH sẽ có các triệu chứng đặc trưng sốt cao dẫn đến xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch.

Biểu hiện không điển hình

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận một bé gái 7 ngày tuổi, nặng 2,5 kg mắc SXH. Bệnh rất ít gặp ở trẻ sơ sinh, biểu hiện lâm sàng không điển hình, dễ chẩn đoán nhầm.

Một ngày trước khi vào viện, trẻ xuất hiện sốt, cao nhất 38 độ C, bú kém hơn. Trẻ không ho, không chảy mũi, không đi ngoài phân lỏng, tiểu vàng. Bố mẹ và anh chị trẻ không có ai sốt trong thời gian gần đây.

Qua quá trình thăm khám và theo dõi điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ nhận thấy trẻ bú được, phổi thông khí tốt, tim đều, không có ban trên da. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tình trạng giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu (102 G/l)… Bên cạnh đó, trẻ có tình trạng rối loạn đông máu.

Các bác sĩ tiếp tục tiến hành tìm các ổ nhiễm trùng thường gặp theo lứa tuổi của trẻ. Đến ngày thứ 3 của bệnh, trẻ còn sốt 38 độ C. Kết quả test nhanh Dengue NS1, IgM dương tính.

Ngày thứ 5 của bệnh, trên da trẻ có vài chấm xuất huyết vùng cẳng chân 2 bên, tiểu cầu 11 G/L, siêu âm có dịch ổ bụng...

Trẻ được truyền dịch, tiêm vitamin K, dùng kháng sinh dự phòng, theo dõi sát cân bằng dịch vào ra. Sau 6 ngày, trẻ đã cắt sốt, không xuất hiện các triệu chứng xuất huyết nặng trên lâm sàng. Sau 11 ngày, số lượng tiểu cầu tăng lên 100 G/l, rối loạn đông máu trở về giá trị bình thường, hết tràn dịch ổ bụng và tràn dịch màng phổi. Hiện, trẻ đã được xuất viện.

Theo bác sĩ Trần Duy Mạnh - người điều trị trực tiếp cho trẻ, SXH là một bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới. Tuy nhiên, SXH Dengue ở trẻ sơ sinh rất ít gặp. Biểu hiện lâm sàng của SXH ở trẻ sơ sinh không điển hình, có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. Theo dõi và điều trị không hợp lý có thể dẫn đến các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Trẻ sơ sinh mắc SXH tăng

Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân SXH có xu hướng gia tăng nhanh trong 4 tuần gần đây. Ca mắc được ghi nhận tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trung bình, mỗi tuần có từ 500 đến 600 ca mắc mới. Nhiều trường hợp nặng phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Theo các bác sĩ, năm nay ca SXH xuất hiện từ tháng 5 và 6, sớm hơn mọi năm. Đây là một dấu hiệu khá bất thường. Nguyên nhân có thể do thời tiết, biến đổi khí hậu. Ngoài ra có thể do muỗi sinh sôi, phát triển nhiều hơn và công tác dự phòng như phun muỗi, diệt bọ gậy chưa chú trọng. Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã cử các đội cơ động phòng, chống dịch trực tiếp đến các địa phương, hướng dẫn thường xuyên biện pháp phòng, chống dịch.

Chia sẻ về SXH ở trẻ sơ sinh, bác sĩ Phạm Hồng Thuyết - Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong nhanh nếu bệnh nhi không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh bị SXH sẽ có các triệu chứng đặc trưng sốt cao dẫn đến xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch gây tử vong nếu không được điều trị SXH kịp thời. Do đó, SXH ở trẻ sơ sinh là căn bệnh hết sức nguy hiểm. Bởi, bệnh có thể để lại nhiều gánh nặng bệnh tật nặng nề, nhất là ở trẻ em với hệ miễn dịch kém.

“Bệnh SXH ở trẻ sơ sinh hiếm gặp và ít phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, SXH ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi cũng bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ tăng dần, chiếm khoảng 5 - 6% trong tổng số bệnh nhi mắc bệnh SXH theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Theo các chuyên gia y tế, SXH ở trẻ sơ sinh được đánh giá là bệnh đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong là rất cao”, bác sĩ Thuyết dẫn chứng.

Trẻ sơ sinh có mẹ từng bị SXH có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. Nếu gia đình đang sống hoặc đi du lịch đến khu vực có dịch SXH, vết cắn của muỗi vằn có chứa virus gây bệnh sẽ khiến trẻ sơ sinh mắc SXH.

Các triệu chứng và dấu hiệu SXH ở trẻ sơ sinh có thể bắt đầu từ 4 ngày đến 2 tuần sau khi bị muỗi vằn đốt. Tương tự trẻ lớn và người trưởng thành, triệu chứng SXH ở trẻ sơ sinh thường bao gồm: Sốt cao đột ngột và liên tục; xuất huyết da; ói ra máu; ít tiểu tiện, phù nề.

Tuy nhiên, rất ít trường hợp trẻ sơ sinh bị chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng. Đa số bệnh SXH ở trẻ sơ sinh khiến các bé có gan to giống như ở những trẻ lớn. Trong khi đó, sốc có thể xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 phát bệnh.

Ngoài các triệu chứng SXH phổ biến ở trên, bệnh có thể gây các dấu hiệu khác, không điển hình và xảy ra với tỷ lệ thấp như: Lách to; co giật; lơ mơ, hôn mê; triệu chứng cơ năng không đặc hiệu, ho, sổ mũi, và tiêu chảy.

“Dấu hiệu SXH ở trẻ sơ sinh thường khiến phụ huynh và ngay cả các y bác sĩ nhầm lẫn với bệnh lý khác như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa…

Do đó, khi trẻ sơ sinh bị sốt, các phụ huynh rất dễ chủ quan, đưa bé đến nhập viện trễ dẫn tới xử trí không kịp thời”, bác sĩ Thuyết cho biết.

Vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo, trong thời gian cao điểm của mùa dịch SXH, nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ