Giải pháp cho mục tiêu kép

GD&TĐ - “Hộ chiếu vắc-xin” tương tự như giấy xác nhận những người được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 và đã an toàn, có thể di chuyển đi các nơi mà không sợ lây nhiễm và bị lây nhiễm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 17/3, tại buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh và Ban phòng dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành hữu quan nghiên cứu về giải pháp “hộ chiếu vắc-xin” nhằm từng bước mở cửa để có thể đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. 

Một số nước đã khống chế được dịch Covid-19 và đã tiêm vắc-xin cho phần lớn người dân trong nước họ như Israel, Singapore… cũng đã bắt đầu áp dụng hình thức “hộ chiếu vắc-xin” cho công dân nước mình và đề nghị với các nước nên có giải pháp tương thích nếu công dân của nước đó đã được tiêm ngừa Covid-19. 

Đối với các nước châu Âu, họ gọi “chứng chỉ xanh kỹ thuật số”, hoặc “chứng chỉ Covid-19” thay cho “hộ chiếu vắc-xin”. Dù là gọi dưới một cái tên gì đi nữa thì nội hàm của vấn đề là như nhau: Tấm giấy thông hành xác nhận sự an toàn trước dịch Covid-19 của công dân.

Vì vậy, các nước cần sớm mở cửa có sự kiểm soát chặt chẽ để có thể nối lại giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các nước sau hơn một năm bị đình trệ vì sự hoành hành của Covid-19.

Sở dĩ có sự “sốt ruột” của nhiều nước là vì, hiện nhiều nước đã triển khai tiêm vắc-xin từ hai tháng nay và đã phát huy hiệu quả, khống chế được dịch nhưng các cửa khẩu sân bay thì vẫn hạn chế mở các đường bay quốc tế, các khu du lịch, nhà hàng khách sạn ở nhiều trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới cũng im ỉm khoá, đẩy “ngành công nghiệp không khói” này vào tình thế bi đát chưa từng có trong lịch sử của mình.

Nhiều người kỳ vọng, bằng “hộ chiếu vắc-xin” này, con người có thể sống chung với đại dịch, mở cửa du lịch giữa các quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề này hiện còn nhiều tranh cãi. Mới đây, một số nước ở châu Âu, kể cả Thái Lan đang tạm dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca vì liên quan đến máu đông sau khi tiêm loại vắc-xin này. Nói thế để thấy, vắc-xin chưa thể là cây gậy thần để có thể khép lại một trang buồn về dịch bệnh của loài người trong suốt một năm qua.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đã kêu gọi các nước thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế.

Lý do được WHO đưa ra là hiệu quả của vắc-xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu còn hạn chế.

Ở Việt Nam, dù dịch Covid-19 đã được khống chế, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn luôn cảnh báo với các địa phương không nên lơ là vì dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép là khống chế dịch và phát triển kinh tế. “Hộ chiếu vắc-xin” mà Thủ tướng lưu ý chính là một giải pháp để chúng ta hoàn thành mục tiêu kép ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ