Giải pháp cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019 trung thực, chất lượng

GD&TĐ - Tại tọa đàm trực tuyến “Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng 13/9, nhiều giải pháp được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra nhằm tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã thực sự đạt những yêu cầu đề ra trong công tác đổi mới thi cử hiện nay.  

Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được tổ chức tinh gọn đảm bảo tinh thần đổi mới theo Nghị quyết 29
Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được tổ chức tinh gọn đảm bảo tinh thần đổi mới theo Nghị quyết 29

Chọn người làm thi có năng lực và tăng cường cơ chế giám sát

Chia sẻ hoàn toàn ủng hộ đổi mới phương thức tổ chức thi như hiện nay, TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt 2 năm vừa rồi đã có những kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta cần xác định lộ trình duy trì phương thức kỳ thi này cho đến khi có thay đổi Chương trình, SGK mới.

Góp ý cho kỳ thi, dưới góc độ quản lý, theo TS Phạm Tất Thắng, cần tiếp tục rà soát quy chế thi, quy định cụ thể hơn, rõ trách nhiệm hơn các khâu, các cá nhân trong tổ chức kỳ thi, để các khâu đều tường minh, một người không thể tác động đến nhiều khâu của quá trình tổ chức thi. Tiếp đến là cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý với địa phương, làm sao phát huy được trách nhiệm và vai trò của các cơ quan trong bảo đảm an toàn, chính xác kỳ thi. Đồng thời, tăng trường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai sót, bất cập, tránh được hiệu quả đáng tiếc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

“Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên đại học địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Trong công tác phối hợp với địa phương, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo Trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi”. 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - thì cho rằng, có 4 mấu chốt để quyết định thành công của một Kỳ thi THPT là đề thi, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển. Do đó, để một kỳ thi tuyển sinh thành công thì 4 khâu đấy phải trọn vẹn. Trong đó, lưu ý cơ chế giám sát; tăng cường tập huấn, phải đưa vào hội đồng thi các đồng chí có năng lực, kiến thức chứ đừng lấy theo chức vụ, cơ cấu. Về tuyển sinh, GS Nguyễn Đình Đức nêu quan điểm không nên tràn lan tổ hợp xét tuyển. Có thể học tập nước ngoài tuyển sinh nhiều lần trong năm để giảm bớt áp lực...

Quan điểm của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie - qua sự việc xảy ra trong năm 2018, có thể thấy lỗ hổng chính là yếu tố con người, phẩm chất và đạo đức của cán bộ. Chính vì vậy, điều quan trọng là cần khắc phục những lỗ hỏng này bằng việc đưa ra các quy trình chặt chẽ hơn, ví như “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Trải qua 4 năm thực hiện, phương án thi THPT quốc gia tương đối ổn, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội. Bởi vậy, không có lý do gì để không duy trì phương thức thi này cho đến khi có sự thay đổi Chương trình phổ thông mới. Trong tương lai, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang mong chờ Việt Nam phải cố gắng để ra đời Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng độc lập. Đối với việc tốt nghiệp THPT cần phải coi nhẹ và cắt gọn bớt các khâu quản lý và có thể giao cho trường có quyền tự chủ...

TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) - đưa đề xuất mới - kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Tức là có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì.

Không đưa ra đề xuất cụ thể, PGS. TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng, cần phải thay đổi gốc của vấn đề, tuy nhiên để có thay đổi điều đó cần thời gian, lộ trình, không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai, tránh xáo trộn toàn bộ xã hội. Cần có thời gian để các thầy cô, học sinh và xã hội chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sự thay đổi toàn diện.

Hoàn thiện kĩ thuật tổ chức thi

Từ kỳ thi 2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho rằng cần có một số vấn đề cần hoàn thiện cho kỳ thi năm sau. Đó là tiếp tục hoàn thiện, chuẩn chỉnh ngân hàng câu hỏi, đủ lớn, đạt chất lượng, phù hợp với tính chất của kỳ thi; từ đó xây dựng đề thi phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật công nghệ. Rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ hơn trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi, từ đó có giải pháp phù hợp.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh cho biết, đang rất tích cực thực hiện những vấn đề này để đảm bảo cùng với cả hệ thống chính trị cố gắng hoàn thiện kỳ thi theo mục tiêu Nghị quyết 29-NQ/TW. Đây cũng là sự chuẩn bị nhuần nhuyễn để phục vụ cho tổ chức kỳ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong lộ trình này cần tính toán để việc đổi mới thi là lộ trình không bị ngắt quãng, không bị sốc.

Kỳ thi THPT quốc gia đang đi đúng với tinh thần đổi mới

Kỳ thi THPT quốc gia đang đi đúng với tinh thần đổi mới

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, công tác thi, kiểm tra đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình dạy học, có liên hệ biện chứng, chặt chẽ với các hoạt động dạy học, có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả giáo dục, nên luôn được xã hội quan tâm. Chính vì lẽ đó, Bộ GD&ĐT đã chọn công tác thi, kiểm tra đánh giá là khâu đột phá trong hoạt động đổi mới và phát triển giáo dục. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện phương thức thi THPT quốc gia để tổ chức ổn định trong các năm 2019 và 2020, đảm bảo tinh gọn, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nghiêm túc và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Trước mắt, để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, hoàn thiện quy chế, khắc phục nhược điểm về kĩ thuật, rào cản kĩ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT để có kỳ thi chất lượng. Nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.