Giải pháp căn cơ để xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém

GD&TĐ - Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng – cho biết: Việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước thực hiện trong thời gian vừa qua và chúng tôi rất nỗ lực.

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những bộ, ngành; từ năm 2016 đã tập trung xây dựng các đề án liên quan đến hệ thống ngân hàng, trong đó đề án quan trọng nhất là đề án xử lý các ngân hàng còn yếu kém. Tiếp đến là đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Đề án để phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2025. Cuối cùng là đề án hoàn thiện mô hình và tăng cường chất lượng hoạt động của công ty mua bán nợ và của các tổ chức tín dụng VAMC.

“Ngân hàng nhà nước chúng tôi cho rằng, nếu quyết tâm thực hiện những giải pháp trong Quyết định 1058 của Thủ tướng về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng với những giải pháp lộ trình đã có từ nay đến hết năm 2016 cho tất cả các bộ, ngành, các đơn vị của Ngân hàng nhà nước và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng thì chúng ta có thể có những kết quả trong việc xử lý các ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Để xử lý nợ xấu thì việc đầu tiên và trên hết là phải tập trung để thực hiện thật tốt và có kết quả Nghị quyết 42 của Quốc hội”.

Liên quan đến vấn đề xử lý các ngân hàng yếu kém, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng – cho biết: Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt để hoàn thiện phương án xử lý. Nhưng đặt trong bối cảnh chúng ta xử lý trong khi nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ ngân sách còn rất khó khăn, chúng ta phải huy động các nguồn lực của xã hội, cho nên chúng ta phải có giải pháp huy động được các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng về tài chính và năng lực quản trị điều hành để tham gia vào quá trình quản trị ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, muốn mời được các nhà đầu tư có năng lực như vậy chúng ta phải có khuôn khổ pháp lý đồng bộ với những giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu thì việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Các tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo có đầy đủ quy định trong luật, minh bạch, công khai và đúng thẩm quyền của các cơ quan chức năng.

"Đây cũng là cơ sở để chúng ta có thể hoàn thiện các phương án và mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém" -Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ