Luật Các tổ chức tín dụng nhận được nhiều ý kiến góp ý

GD&TĐ - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến của đại biểu – cho rằng , việc sửa đổi toàn diện các quy định tại Luật Các TCTD cần tiến hành đồng thời với việc sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đòi hỏi có thời gian nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi.

Liên quan đến ý kiến đề nghị xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm hoặc từng chu kỳ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho biết:

Việc đánh giá, xếp loại các ngân hàng thương mại cổ phần và xếp hạng quỹ tín dụng nhân dân đang được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu quy định cụ thể trong Luật sẽ không bảo đảm tính linh hoạt do tiêu chí xếp hạng TCTD cần thay đổi theo tình hình thực tế và thông lệ quốc tế.

Cũng có ý kiến cho rằng, thẩm quyền xử lý chỉ nên tập trung ở Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ do quá trình quyết định của Chính phủ có thể kéo dài và phức tạp, không kịp thời xử lý để các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, để đưa ra các quyết định hợp lý, toàn diện trong trường hợp có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, tác động đến quyền và lợi ích của cổ đông, cần quy định Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Đối với đề nghị của đại biểu về quy định rõ khung thời gian tối đa để TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết: Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với tình hình của từng TCTD yếu kém, dự thảo Luật hiện đang quy định khung thời gian xây dựng và phê duyệt đối với từng phương án cơ cấu lại TCTD.

Quy trình cơ cấu lại TCTD luôn được triển khai khẩn trương nhằm bảo đảm xử lý nhanh và hiệu quả, tuy nhiên, việc xác định khung thời gian tối đa chung cho các phương án là khó khả thi do mức độ yếu kém và nội dung phục hồi của các TCTD về cơ bản sẽ không giống nhau.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Phương án chuyển giao bắt buộc

Về phương án chuyển giao bắt buộc, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là TCTD, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.

Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ khi nào phải thực hiện chuyển giao bắt buộc; hệ lụy nếu không có quy định phương án chuyển giao bắt buộc; quy định chặt chẽ và minh bạch thủ tục lựa chọn tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhận chuyển giao đặc biệt để tránh tình trạng xin – cho khi có nhiều tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 151 của dự thảo Luật.

Về vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc tại Mục 1đ của dự thảo Luật cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ...

Trường hợp không có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản như quy định tại khoản 8 Điều 151a.

Sau quá trình đánh giá việc thực hiện chủ trương mua bắt buộc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15/4/2017, theo đó Nhà nước sẽ không áp dụng biện pháp mua bắt buộc. Tiếp nối tinh thần đó, dự thảo Luật không quy định về phương án mua bắt buộc TCTD mà bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc; theo đó chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại khi giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ của ngân hàng đó đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có), thực chất đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng nếu cho phá sản sẽ ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống; tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Việc phê duyệt chủ trương áp dụng phương án chuyển giao bắt buộc thuộc thẩm quyền của Chính phủ; dự thảo Luật đã quy định cụ thể cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao, của Ban kiểm soát đặc biệt cũng như Ngân hàng Nhà nước trong việc đề xuất, trình phương án chuyển giao bắt buộc, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch.

Trước một số ý kiến đề nghị làm rõ việc “chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc” có phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho hay: Việc hạn chế quyền cổ đông theo quy định về chấm dứt quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại là cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, an ninh tiền tệ, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với quy định tại Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 . Theo quy định của dự thảo Luật, ngân hàng thương mại phải thông báo và tổ chức họp đại hội cổ đông để xem xét, quyết định.

Trường hợp không hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thì mới dẫn đến việc chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích cổ đông, thành viên góp vốn, chủ sở hữu của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Quy định này bảo đảm các cổ đông đều biết rõ thực trạng yếu kém và đã có thời gian để thực hiện quyền bảo vệ tài sản của mình tại ngân hàng thương mại trước khi bị chấm dứt quyền, lợi ích. Biện pháp này cũng được áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn Độ, Úc...

Quy định này cũng bảo đảm tính hợp pháp vì: Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định thành viên góp vốn, cổ đông của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, nếu thực hiện phá sản thì các cổ đông cũng không được nhận bất cứ khoản tiền nào.

Khi được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, được nhận các hỗ trợ nhưng thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại đó không thể quản lý điều hành hiệu quả, vẫn không thể đưa ngân hàng thoát ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt, do vậy cần chấm dứt quyền, lợi ích của họ, như vậy nhà đầu tư khác mới sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, thay đổi triệt để về quản trị và điều hành.

Đối với phương án phá sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho biết : Cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt.

Dự thảo Luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ.

Ngoài ra, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời TCTD yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu TCTD nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ