Không mất ngoại tệ nhập vàng
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Đại biểu Nguyễn Sơn – Đoàn Hà Tĩnh – đặt câu hỏi: Lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang khá lớn, nếu huy động được sẽ giúp có thêm nguồn lực đưa vào sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này?.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng – nêu quan điểm: Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực.
Trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường vàng ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết.
Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế. Ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VND.
“Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt” - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: Không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá |
Triển khai 6 giải pháp để cơ cấu lại ngân hàng
Trả lời các câu hỏi tranh luận của đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) về tăng tín dụng 21% năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây không phải chỉ đạo của Chính phủ.
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp, vốn vào đầu tư công chưa đạt dự kiến nên Chính phủ đề nghị Ngân hàng xem xét tăng tín dụng lên mức 21%. "Đây không phải chỉ tiêu bắt buộc Ngân hàng Nhà nước phải làm, quan điểm là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm chất lượng tăng trưởng. Nên những ngân hàng nào đảm bảo thì sẽ xem xét cho tăng trưởng cao hơn, chứ không yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá" - Thống đốc Lê Minh Hưng nói.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, quan điểm điều hành tín dụng hiện nay là theo hướng linh hoạt, thận trọng, kiểm soát tín dụng rủi ro. Tín dụng tới cuối năm cũng chỉ tăng trưởng 18%. “Chúng tôi nhận thức sâu sắc tín dụng vào lĩnh vực rủi ro sẽ gây áp lực lên lạm phát", Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thừa nhận sau 5 năm triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã tồn tại. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Quyết định 1058 cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu năm 2018 - 2020 và từng ngân hàng sẽ có giải pháp cụ thể đạt mục tiêu.
Thống đốc Lê Minh Hưng – cho biết sẽ triển khai 6 giải pháp để cơ cấu lại ngân hàng. Thứ nhất, hoàn thiện văn bản pháp luật khung khổ pháp lý, trong đó có việc sửa Luật tổ chức tín dụng đang được trình thông qua tại kỳ họp này.
Thứ hai, tăng cường năng lực tài chính, năng lực điều hành các ngân hàng trong tăng vốn. Thứ ba tăng cường năng lực quản lý điều hành tại từng ngân hàng. Thứ tư, đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Thứ năm, thanh tra giám sát, tăng cường rủi ro, phát hiện sớm những rủi ro trong quá trình hoạt động.
Cuối cùng là nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm như thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu; giải pháp phát triển thị trường vốn đáp ứng vốn cho nền kinh tế... "Thực hiện quyết liệt những giải pháp này là căn cơ để đảm bảo sức khoẻ an toàn của các ngân hàng thời gian tới” - Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.