Giải pháp bố trí đội ngũ với các môn học mới

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với lớp 6, không ít trường lúng túng trong việc bố trí đội ngũ, nhất là đối với môn học mới.

Cô trò Trường THCS Thăng Long (Ba Đình – Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại
Cô trò Trường THCS Thăng Long (Ba Đình – Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại

PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đưa ra một số gợi ý giúp các trường triển khai nội dung này. 

Không nhiều xáo trộn

- Với môn học mới như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, việc bố trí giáo viên (GV) tại các trường liệu có nhiều xáo trộn?

- Chương trình môn Lịch sử và Địa lý khối lớp 6 được thiết kế theo các phần Lịch sử và Địa lý tương đối độc lập, còn chủ đề chung có thời lượng ít, ở mỗi lớp 7, 8, 9 có một chủ đề chung chỉ từ 6 - 10 tiết. Vì vậy, việc bố trí GV dạy môn này không thay đổi so với chương trình hiện hành.

Với các chủ đề chung, 2 GV cùng dạy 1 lớp sẽ phối hợp với nhau để thực hiện. Mỗi mạch nội dung của môn Lịch sử và Địa lý có thể phân công cho một GV phân môn Lịch sử và một GV phân môn Địa lý để thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học; mỗi tuần đều có tiết Lịch sử, Địa lý với tổng thời lượng là 3 tiết/tuần. Tổ chuyên môn dựa vào phân phối chung có thể sắp xếp phù hợp. Ví dụ, học kỳ I xếp tuần 2 tiết Lịch sử, 1 tiết Địa lý và ngược lại ở học kỳ II. Các trường có thể phân phối ngược lại nếu phù hợp với đặc điểm nhà trường.

PGS.TS Trần Xuân Bách.
PGS.TS Trần Xuân Bách.

- Như vậy, nhà trường không bắt buộc phải dạy môn học ở các tuần, không phải chia đều số tiết/tuần?

- Nội dung giáo dục môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp các chủ đề khoa học: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Với các kiến thức liên quan nêu trên, chương trình môn Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau: Lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%); Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%); Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%); Lớp 9:  Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%).

Tổng số tiết của 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành là 595; tổng số tiết của môn Khoa học tự nhiên là 560, giảm 35 tiết so với chương trình hiện hành. Tỉ lệ thời lượng giữa các lĩnh vực có dao động so với chương trình hiện hành và không ảnh hưởng lớn đến cơ cấu GV. Tổ chuyên môn (bao gồm GV Vật lý, Hóa học, Sinh học) phân công GV phụ trách theo chủ đề như trên và dạy đồng thời ở nhiều lớp (thay vì phân công 1 GV/môn/lớp như hiện nay). Nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn tập trung vào các chủ đề liên môn để bảo đảm sự phối hợp giữa các GV cùng dạy ở 1 lớp đối với các chủ đề có kiến thức liên quan.

Số tiết của môn Khoa học tự nhiên (4 tiết/tuần), ít hơn 35 tiết so với tổng số tiết của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình hiện hành nên không có sự xáo trộn về số lượng GV trong mỗi nhà trường; chỉ khác trong phân công, xếp thời khóa biểu. Tuy nhiên, hiện nay một số trường THCS có ít GV (1 hoặc 2 GV) dạy môn Khoa học tự nhiên, thì cần bố trí linh hoạt để có thể dạy chéo các lớp và sắp xếp mạch nội dung ở các lớp sao cho bảo đảm logic nội dung, phù hợp với từng trường.

Có thể ví dụ minh họa về phương án thực hiện chương trình với đội ngũ GV hiện hành như sau:

Giải pháp bố trí đội ngũ với các môn học mới ảnh 2

Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học do GV có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi nửa học kỳ. Việc chia mỗi năm học thành 2 học kỳ, mỗi kỳ thành 2 nửa cũng được thực hiện phổ biến ở các nước trên thế giới (tùy điều kiện mà các trường linh hoạt bố trí phù hợp). Các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học thực hiện trong 35 tuần, mỗi tuần đều có tiết với tổng thời lượng là 4 tiết/tuần.

Việc phân công bảo đảm khả thi cho các GV phụ trách dạy môn này, đồng thời vẫn dạy các môn lớp 7, 8, 9. Một số nội dung mới, tổ/nhóm chuyên môn tổ chức soạn bài và phân công GV dạy phù hợp dựa trên năng lực thực hiện của GV. Căn cứ điều kiện thực tiễn nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học. Các trường không bắt buộc phải dạy môn học ở các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ GV, nhân viên.

Bố trí GV dạy giáo dục địa phương

- Nội dung giáo dục địa phương hiện không có GV chuyên trách, vậy có thể phân công đội ngũ giảng dạy nội dung này ra sao?

- Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Ở THCS, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác với thời lượng 35 tiết/năm. Căn cứ nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề của nội dung giáo dục địa phương. GV được phân công thực hiện chủ đề nào, cho khối lớp nào, sẽ xây dựng kế hoạch dạy học của chủ đề đó.

Việc phân GV phụ trách dựa trên số lượng GV của trường và năng lực chuyên môn của GV. Ví dụ, các chủ đề về văn hóa, lịch sử truyền thống địa phương có thể do GV Lịch sử đảm nhận. Chủ đề địa lý, kinh tế, hướng nghiệp do GV Địa lý thực hiện. Chủ đề liên quan đến chính trị xã hội có thể do GV Giáo dục công dân thực hiện. Chủ đề môi trường được thực hiện bởi GV Sinh học. Việc phân công GV đảm nhận bảo đảm phù hợp số tiết theo quy định và phù hợp với số lượng GV, điều kiện thực tiễn của mỗi trường. GV dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch.

Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại
Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội). Ảnh minh họa: Thế Đại

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần sự tham gia của nhiều lực lượng

- Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (HĐTN, HN) vốn cần sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Vậy cách bố trí GV phụ trách nội dung này ra sao cho hiệu quả?

- Đây là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện trong nhà trường với thời lượng là 105 tiết/năm thông qua 4 loại hình chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và sinh hoạt câu lạc bộ.

Để triển khai chương trình HĐTN, HN đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đầu năm học hiệu trưởng sẽ huy động một tổ (ban) chuyên môn gồm nhiều thành phần liên quan (có thể là GV Tổng phụ trách Đội, GV chủ nhiệm, GV tổ bộ môn có liên quan) tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục HĐTN, HN năm học/học kỳ. Các khối lớp, bộ môn, GV chủ nhiệm phải xây dựng kế hoạch trải nghiệm, hướng nghiệp thực tế cụ thể trình hiệu trưởng phê duyệt. Từ đó phân phối khung thời gian thực hiện chương trình cho phù hợp, tạo điều kiện huy động sự tham gia của nhiều lực lượng giáo dục trong tổ chức thực hiện chương trình. Hiệu trưởng căn cứ vào đặc điểm GV và tình hình nhà trường phân công người phụ trách tổ chức HĐTN, HN cho phù hợp.

Ví dụ, nhà trường có thể phân công GV Tổng phụ trách Đội thực hiện các tiết HĐTN, HN của chủ đề thuộc loại hình sinh hoạt dưới cờ (cho tất cả các khối). GV chủ nhiệm lớp nào thực hiện các tiết chủ đề HĐTN, HN loại hình sinh hoạt lớp của lớp đó. Với hoạt động giáo dục theo chủ đề (35 tiết/năm), có thể để GV chủ nhiệm thực hiện các tiết này để bảo đảm tính liên tục, thường xuyên và thuận lợi cho hoạt động đánh giá. Nếu điều kiện GV không phù hợp, tùy từng mạch nội dung và chủ đề sẽ phân công GV thuộc đúng chuyên môn phụ trách. Việc phân công phải dựa trên 2 yếu tố: GV đúng năng lực chuyên môn của chủ đề đó; bảo đảm đúng số tiết theo yêu cầu theo quy định.

Trong tổ chức HĐTN, HN cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội. Lực lượng giáo dục đều có vai trò và ảnh hưởng riêng, vì vậy cần phải quản lý tốt việc phối hợp các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho HS. Việc đánh giá kết quả giáo dục của HĐTN, HN được thực hiện sau mỗi chủ đề và cuối kỳ. GV được nhà trường phân công sẽ lên kế hoạch và thực hiện hoạt động đánh giá.

- Những biện pháp trên để giải quyết vấn đề trước mắt, còn về lâu dài, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã chuẩn bị đào tạo đội ngũ GV thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục trên như thế nào?

- Trước mắt, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng cùng với 7 trường sư phạm chủ chốt tiến hành bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và đại trà từ mô-đun 1 đến 4, trong đó có các môn học và hoạt động giáo dục trên để có thể thực hiện ngay được Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng chương trình đào tạo từ 25 - 35 tín chỉ cho GV đã có một bằng đại học chuyên ngành, để có thể dạy được các môn liên môn và tổ chức HĐTN. Về lâu dài, chúng tôi đã xây dựng chương trình và đang tiến hành đào tạo GV liên môn như các chuyên ngành: Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Công nghệ và Sư phạm Tin học và Công nghệ tiểu học để có thể cung cấp nguồn GV được đào tạo bài bản chính quy cho các môn học này.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ