Không ai phải học chay...
Ông Trịnh Ngọc Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên cho biết: Để chủ động bắt nhịp với chương trình, các trường học trên địa bàn đã tập trung tuyên truyền đến đông đảo phụ huynh học sinh lớp 5 của năm học trước để sẵn sàng cho năm học mới 2021 - 2022.
Việc tuyển sinh sớm, kết thúc trước ngày 20/7 với phương châm "trực tiếp từng học sinh" đã giúp các trường THCS tuyển sinh đủ 100% số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2020-2021 vào lớp 6. Toàn huyện có 1.565 học sinh/44 lớp học.
Để chuẩn bị đủ SGK cho học sinh, từ tháng 3, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường chủ động tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo SGK cho học sinh lớp 6 - ông Hải cho biết thêm.
Nhà trường và chính quyền các xã đã tổ chức họp phụ huynh từ cuối tháng 4 để tuyên truyền, vận động. Với các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, các trường vận động gia đình trích một phần nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc từ chế độ hỗ trợ chi phí học tập của học sinh. Cùng với đó, khuyến khích các trường đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân... để hỗ trợ mua SGK cho học sinh.
Việc xã hội hóa SGK đã được các trường thực hiện có hiệu quả. 128 học sinh lớp 6 của trường PTDTBT THCS xã Khoen On nhận được tài trợ toàn bộ SGK. Đến ngày 5/8, 100% học sinh lớp 6 của huyện Than Uyên đã có SGK mới.
Chủ động bắt nhịp
Năm học 2021-2022, lớp 6 sẽ có một số môn học gộp thành các liên môn. Sự thay đổi này đòi hỏi các giáo viên phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm kịp thời bắt nhịp, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới.
Theo ông Trịnh Ngọc Hải, vì là năm đầu triển khai chương trình SGK mới với lớp 6 nên giáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt chương trình, hiểu ý tưởng của SGK. Khó tránh khỏi việc giáo viên lúng túng trong quá trình thực hiện, nhất là thời điểm đầu năm học.
Đối với một số môn học liên môn, giáo viên chưa được đào tạo dạy cả môn. Một số môn chuyên như: Tin học, Công nghệ, Mĩ thuật, Âm nhạc ngành chưa đủ giáo viên theo yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên dạy chéo ban.
“Trước những khó khăn đó, chúng tôi chỉ đạo các trường căn cứ tình hình đội ngũ của đơn vị, có thể bố trí giáo viên dạy riêng từng môn thành phần theo ban đào tạo hoặc bố trí một giáo viên dạy một môn. Tinh thần chung là khuyến khích một giáo viên dạy một môn, vừa dạy vừa bồi dưỡng để thực hiện cho các năm tiếp theo. Chủ động bố trí giáo viên để tổ chức dạy học đủ các môn ngay từ đầu năm học.
Bên cạnh đó, chủ động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên. Ưu tiên lựa chọn các giáo viên có trình độ về 2 môn như: Hóa – Sinh, Sử - Địa… để chủ động đào tạo, bồi dưỡng dạy các môn liên môn” - ông Hải chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch covid-19, để sẵn sàng nhân lực cho việc triển khai dạy học, phòng GD&ĐT Than Uyên đã chủ động bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến. Việc tập huấn về chương trình SGK lớp 6, trong năm học 2020-2021, các giáo viên đã được tập huấn đại trà 3 modul. Từ ngày 11-13/8, cấp THCS đang tham gia tập huấn trực tuyến do Sở GD&ĐT tổ chức.
Các đợt tập huấn tiếp theo, sẽ được tổ chức trực tuyến kết hợp với hình thức trực tiếp. Khi triển khai trực tiếp, mỗi lớp không quá 20 học viên và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Sẵn sàng cho năm học mới
Để sẵn sàng cho năm mới, Phòng GD&ĐT Than Uyên đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc dạy và học. Xây dựng phương án trình các cấp có thẩm quyền đầu tư, mua sắm trang thiết bị đảm bảo phục vụ cho thực hiện chương trình GDPT 2018.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, đảm bảo phòng chống dịch trong thời gian lâu dài. Các trường tiếp tục tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh trước khi cho học sinh trở lại trường. Tuyên truyền nhân dân, phụ huynh thực hiện tốt thông điệp 5k, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi bước vào năm học mới.
Đến nay, các trường trên địa bàn huyện luôn chủ động chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất như phòng học, thiết bị, phòng ở bán trú... để đón học sinh đến trường. Sẵn sàng phương án cho các tình huống phù hợp với thực tế của địa phương nếu không thể tổ chức khai giảng đúng thời gian quy định. Trong đó, lưu ý phương án tổ chức dạy học, phương án tổ chức các mô hình trồng trọt và chăn nuôi trong các trường bán trú.