Theo đó, giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài 11 tháng là hơn 21.243 tỷ đồng; đạt 35,25% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 38,65% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều cùng kỳ năm 2017, đạt 55,36% kế hoạch Quốc hội giao và 57,11% kế hoạch Thủ tướng giao.
Nguyên nhân giải ngân vốn chậm có nhiều, từ cơ chế cho đến giao kế hoạch chưa phù hợp và các vướng mắc từ phía dự án. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, một số dự án đang tạm dừng thực hiện để điều chỉnh tổng mức đầu tư, chủ trương đầu tư, đánh giá lại hiệu quả, như dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; dự án Đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương.
Bên cạnh đó, có những dự án giao kế hoạch vốn chưa phù hợp, kế hoạch vốn lớn, không phù hợp với tiến độ triển khai dự án (dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị). Có dự án phải phân kỳ lại đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn, hiện chưa hoàn thành các thủ tục trong nước, chưa thể thực hiện nhưng vẫn được giao kế hoạch vốn (dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1 - phần thực hiện dự án).
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài đến hết tháng 11/2018 của các bộ, ngành, địa phương là rất thấp. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho phép điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn vốn nước ngoài năm 2018 là 266,086 tỷ đồng để bổ sung dự toán cho các dự án ODA đang thiếu vốn năm 2018.
Vì vậy, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề nghị giao Bộ KH&ĐT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trình phương án điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2018 theo đúng ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 10140/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc đẩy mạnh việc thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018.