Đầu tư nước ngoài sẽ là điểm sáng của nền kinh tế?

GD&TĐ - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước đã thu hút thêm gần 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng qua, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, dù mức tăng không phải là mạnh nhưng đủ đánh dấu sự bứt phá, thoát khỏi tình trạng suy giảm như các tháng trước. Trên thực tế, nhờ sự đảo chiều thú vị và nhanh chóng này mà đầu tư nước ngoài đang hứa hẹn trở thành mảng sáng của nền kinh tế trong năm kế hoạch 2018...

Thay đổi trong cách lựa chọn của nhà đầu tư

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 7 tháng năm 2018 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 9,63 tỷ USD, chiếm 41,95% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,69 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký... Tính lũy kế đến ngày 20/7/2018, cả nước có 26.214 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,03 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 6,17 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư. Kết quả này đưa Hà Nội vượt xa so với các trung tâm kinh tế, vốn cũng là các cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương... Hoạt động thu hút nguồn vốn “ngoại” được thể hiện qua hai dự án rất lớn và tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội là Dự án Thành phố thông minh của Nhật Bản, với tổng vốn 4,138 tỷ USD và dự án Lotte Mall Hà Nội trị giá 600 triệu USD của Hàn Quốc.

Thực tế trên cho thấy, giới đầu tư đã áp dụng phương thức mua cổ phần, mua lại doanh nghiệp đang hoạt động sẵn. Họ tập trung theo dõi tình hình, nắm bắt cơ hội để tiếp tục mua lại một phần hoặc toàn bộ các dự án được đánh giá là đang làm ăn tốt, có tiềm năng và có dự báo tương lai sáng sủa. Điều đó cho thấy, làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được xác định là thị trường rất lớn và tiến tới bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai gần. 

Bên cạnh đó, cơ cấu, phương thức đầu tư cũng có sự dịch chuyển đáng quan tâm, cho thấy sự thay đổi trong cách lựa chọn của nhà đầu tư. Đơn cử, lượng vốn cấp mới chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ thì lượng vốn do nhà đầu tư xin điều chỉnh, tăng vốn lại giảm 15,8%.

Nhưng ngược lại, riêng lượng vốn do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn lại tăng hơn 53% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam. Nhờ đó, họ có thể ngay lập tức có mặt trên thị trường, thay vì đầu tư xây dựng nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu.

Qua 7 tháng, kết quả giải ngân vốn FDI đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Như vậy, cả hai tiêu chí về vốn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng; trong đó vốn thực hiện có tốc độ tăng cao hơn và thể hiện rõ sự lạc quan, quyết định mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh lâu dài tại Việt Nam của nhà đầu tư.

Kiên trì chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài

Bên cạnh đó, lý giải sự bứt phá này, FIA cho rằng nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện của một số dự án có quy mô lớn, đã được chủ đầu tư theo đuổi từ lâu cùng với tác động từ việc giới đầu tư quốc tế đang chuyển hướng tăng cường đầu tư vào khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam - với vị thế là quốc gia năng động, có thị trường rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải và giao thương với thế giới.

Ngoài ra, việc Việt Nam chuẩn bị triển khai thực hiện các cam kết, gồm nhiều quyền lợi trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương đang trở thành điều kiện hấp dẫn mới để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế.

Thực tế cho thấy, từ nay đến cuối năm, bức tranh đầu tư nước ngoài vẫn được nhận định là sáng sủa cho cả năm 2018, với một số yếu tố tích cực, thuận lợi. Trong đó, có thể tiếp tục xuất hiện dự án quy mô lớn, đầu tư vào lĩnh vực quan trọng. Bên cạnh đó, các đối tác truyền thống, có thế mạnh về vốn và công nghệ khác như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; theo hướng ưu tiên lựa chọn Việt Nam hơn trong chiến lược toàn cầu của mình.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ kiên trì chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chủ động thông qua hoàn thiện đồng bộ văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tập trung vào lĩnh vực giao thông nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian và gia tăng tính kết nối với nhau cũng như thực hiện giao thương với thị trường quốc tế...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.