Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến hết tháng 7/2024, tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp của toàn quốc, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhiều dự án lớn của Kon Tum với nguồn vốn từ Trung ương tỷ lệ giải ngân chậm, như: Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla (thuộc địa bàn TP Kon Tum) chỉ mới giải ngân được 5.7/205 tỷ đồng; Dự án đường trục chính phía Tây TP Kon Tum có tổng vốn hơn 353 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 9 tỷ đồng; Đường giao thông từ xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) đi huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) giải ngân 529 triệu đồng/58 tỷ đồng…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum, việc chậm giải ngân vốn đầu tư xảy ra ở tất cả các giai đoạn. Ở giai đoạn chuẩn bị vướng mắc chủ yếu liên quan việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm.
Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo sự chủ động cho địa phương…
Còn giai đoạn triển khai nhiều dự án vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng; khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền.
Trước thực trạng trên, tại hội nghị thúc đẩy vốn đầu tư công vừa qua, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên… Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.