Giải mã về loài cây biết đi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong các khu rừng nhiệt đới, đã xác định có những cây được cho là di chuyển ra khỏi nơi chúng cắm rễ và từ từ 'đi bộ' về phía ánh sáng Mặt trời.

Truyền thuyết cây biết đi thu hút khách du lịch đến những khu rừng cọ.
Truyền thuyết cây biết đi thu hút khách du lịch đến những khu rừng cọ.

Cây biết đi không chỉ xuất hiện trong bộ phim giả tưởng nổi tiếng “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, mà thực tế trong các khu rừng nhiệt đới, người ta đã xác định có những cây được cho là di chuyển ra khỏi nơi chúng cắm rễ và từ từ “đi bộ” về phía ánh sáng Mặt trời.

Những “chiếc chân” độc đáo

Được tìm thấy trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Nam Mỹ, “cây cọ biết đi” hay Socratea exorrhiza có thể cao tới 24m. Huyền thoại, hay truyền thuyết về chúng, bắt nguồn từ những chiếc rễ cọc độc đáo. Thân của những cây này thường nứt ra nhiều rễ nhỏ, dài và chắc chắn, được nhìn thấy cách mặt đất chừng 30cm. Điều này làm cho chúng trông bất thường với nhiều chân nhỏ.

Đối với bất kỳ khách du lịch nào đến thăm các khu rừng nhiệt đới, “cây cọ biết đi” là điểm thu hút chính. Các hướng dẫn viên kể nhiều câu chuyện thú vị về cách mà những cây này được cho là “lén lút” đi qua nền rừng khi không có ai để ý.

Họ cũng nói rằng, chúng “đi” chậm từ bóng râm về phía ánh sáng Mặt trời, bằng cách mọc rễ mới và rễ cũ sẽ chết, nếu cản đường thân cây hướng về phía ánh sáng. Theo những câu chuyện kể, loài cây này có thể di chuyển với khoảng cách lên tới 20 mét mỗi năm.

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng bộ rễ phát triển giống như cây cà kheo của loài cọ này là nhằm thích nghi với tình trạng lũ lụt trong rừng nhiệt đới. Khi mặt đất bên dưới chúng trở nên thấm đẫm nước, những rễ sàn sẽ cố định chúng, ngăn thân cây đổ sụp.

Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu, những chiếc rễ cao này giúp chúng vươn tới ánh sáng mà không cần phải tăng đường kính của thân cây. Hệ thống rễ đặc biệt còn cho phép cây có nền đất ổn định hơn khi phát triển trong các khu rừng nhiệt đới đầm lầy,

Thời điểm cây di chuyển phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm điều kiện khí hậu, như lượng mưa và sự thay đổi nhiệt độ trong suốt các mùa. Quá trình này diễn ra chủ yếu vào những tháng mùa Hè.

Tuy nhiên, một số hoạt động cũng xuất hiện trong mùa Đông nếu có đủ mưa. Mưa là một phần quan trọng trong vòng đời của nhiều loài thực vật, bao gồm cả “cọ biết đi”. Loài cây độc đáo này đã thích nghi với môi trường của chúng một cách đáng kinh ngạc và dựa vào mưa để sinh tồn.

Tần suất di chuyển của chúng thay đổi tùy vào điều kiện môi trường. Tuy nhiên, theo truyền thuyết, chúng có thể “sải bước” vài tuần một lần hoặc thậm chí chỉ vài tháng một lần.

Loài cọ Socratea Exorrhiza với hệ thống rễ như những 'cái chân'.

Loài cọ Socratea Exorrhiza với hệ thống rễ như những 'cái chân'.

Những lý giải khoa học

Ý tưởng về cây biết đi lần đầu tiên được đề xuất bởi John H. Bodley vào năm 1980. Theo đó, bộ rễ sàn bất thường của Socratea exorrhiza cho phép cây tự đứng vững khi có bất kỳ loài thực vật nào khác đổ ập lên chúng.

Nếu sau đó, một cây khác đột nhiên ngã xuống và đè bẹp thân chúng thì rễ sàn mới bắt đầu mọc ra từ thân cũ, còn rễ cũ bắt đầu chết dần. Chúng phát triển bình thường trở lại nhưng di chuyển ra khỏi điểm nảy mầm ban đầu và tiếp tục lớn lên từ những rễ mới. Bằng cách này, chúng có thể di chuyển khỏi những chướng ngại vật là mối nguy hiểm lớn đối với những cây chưa trưởng thành.

Mặc dù hầu hết các nhà khoa học không đồng ý về cách lý giải này, nhưng Peter Vršanský, một nhà cổ sinh vật học thuộc Học viện Khoa học Slovak ở Bratislava, Slovakia, tuyên bố hiện tượng cây di chuyển là có thật.

Theo ông, khi đất bị xói mòn, những cây cọ này mọc rễ mới, và sẽ sớm tìm được chỗ “neo đậu” trên mặt đất vững chắc hơn. Theo thời gian, những chiếc rễ mới dần dần ổn định trong đất mới. Do đó, để theo kịp các chân, cây cọ từ từ uốn cong về phía rễ mới, còn rễ cũ chầm chậm nhấc lên trên rồi chết dần.

Theo Vršanský, toàn bộ quá trình di dời của cây đến nơi ở mới có ánh sáng Mặt trời nhiều hơn và nền đất vững chắc hơn có thể mất vài năm. Tuy nhiên, trên thực tế không ai nhìn thấy những cái cây này di chuyển.

Chỉ là truyền thuyết?

Nhà sinh vật học Gerardo Avalos, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững ở Atenas (Costa Rica), là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về Socratea Exorrhiza, hay “cọ biết đi” đã có những phân tích về chúng đăng trên tạp chí Biotropica vào năm 2005.

Ông cho rằng, trái với niềm tin phổ biến, những “cây biết đi” chắc chắn không thể đi được vì rễ của chúng không di chuyển. Một số rễ có thể chết bên này hay bên kia, nhưng thân cây thì luôn bám rễ tại chỗ.

Theo truyền thuyết, những cây này có thể di chuyển tới 20 mét mỗi năm. Nếu đó là sự thật, tất cả những cây cọ biết đi sẽ di chuyển ít nhất 1km chỉ trong vòng 50 năm. Và khi điều đó đã xảy ra, chắc chắn sẽ có người nhận biết. Nhưng cho đến nay, chưa ai xác nhận chuyện này.

Gerardo Avalos nói rằng, bài báo của ông nhằm chứng minh cây cọ biết đi chỉ là một huyền thoại, hầu hết được tạo ra bởi các hướng dẫn viên du lịch cần những câu chuyện thú vị để kể cho du khách đến rừng nhiệt đới. Tuy thế, những truyền thuyết về cây cọ biết đi vẫn còn lan truyền rất nhiều cho đến ngày nay.

Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn 100% về chức năng của hệ thống rễ sàn độc đáo và lợi ích mà chúng mang lại cho loài cọ Socratea Exorrhiza. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, với sự hình thành đặc biệt như những chiếc chân, chúng được dùng để làm gì, nếu không phải là đi bộ?

Theo Unbelievable

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ