Thế nhưng, tài tiên tri của ông từ đâu mà có? Do khả năng thiên bẩm hay bởi tài học? Tất cả được vén màn từ một cuốn sách kinh điển mang “Thái Ất thần kinh”.
Thầy trao sách quý
Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ nổi tiếng học rộng, mẹ là con út của quan tiến sĩ Thượng thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên “to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi”.
Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm... Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bình Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo.
Vốn sáng dạ lại chăm chỉ học hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc của thầy và được chính thầy giao con trai cho nuôi dạy.
Nguyễn Bỉnh Khiêm không tham gia khoa bảng sớm như bạn bè đồng lứa. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Khi nhà Mạc lên thay năm 1527, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu.
Tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, ông mới quyết định đi thi và đỗ Trạng nguyên khi đã ngoài 40 tuổi.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” viết: “Vua Mạc tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu lớn”, “ông học rộng, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, họa, phúc việc gì cũng biết trước”.
Nhưng tại sao Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng kỳ lạ này? Theo tương truyền, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được người thầy là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng trao cho một cuốn sách có tên “Thái Ất thần kinh”.
Cuốn sách này, theo Phan Kế Bính trong “Nam Hải dị nhân” thì Lương Đắc Bằng có người bà con ở Trung Quốc mua được. Dù rất thông minh, nhưng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng cũng chỉ học được một phần. Sau này, thấy học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh hơn người nên đã trao lại cuốn sách.
Thông suốt tương lai từ các phép tính
Năm 2014, chúng tôi có dịp trao đổi với Thiếu tướng Chu Phác - Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người. Ông Phác đưa ra một cuốn sách có tên “Thái Ất thần kinh” đã cũ rách, và khẳng định tiên đoán của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm phát xuất từ các tính toán trong cuốn sách này.
Tuy nhiên, theo ông Phác, đó là cuốn sách khó học, thậm chí là không thể học. Để học được cuốn sách, người học ngoài trí thông minh vượt trội, phải rất giỏi Toán pháp, Kinh Dịch cũng như các kiến thức liên quan đến lý số, âm dương, chiêm tinh, vũ trụ.
Ông Phác cho biết, “Thái Ất thần kinh” hay Thái Ất là một trong ba môn học xếp vào tam thức: Thái Ất, Độn giáp, Lục nhâm đại độn. Trong đó, Thái Ất thiên về Trời - nghiên cứu sự chuyển động của các tinh tú ảnh hưởng đến Trái đất và con người.
Một số sách bói kinh điển cũng nói, Thái Ất chủ về dự đoán gió mưa, hạn hán lụt lội, chiến tranh đói rét bệnh tật, xem tình hình trong nước, sao Thái Ất chủ sự hưng vong, lịch số dài ngắn.
Sinh thời, nhà bác học Lê Quý Đôn nhận định xem Thái Ất có bốn cách. Thứ nhất “Tuế kế” (kể năm) để xem sự lành hay dữ của quốc gia. Đó là việc của các vua và hoàng hậu làm, để sáng chính hóa, sửa đức giáo, xét cơ động, tĩnh.
Thứ hai là “Nguyệt kế” (kể tháng), để xem lành hay dữ. Đó là bậc công khanh xem, để xét biện được hay mất, mà điều hòa sự hòa hay trị. Thứ ba “Nhật kế” (kể ngày), để đo lường họa phúc trong nhân gian, sử dụng cho mọi người để xét lớn hay nhỏ, hưng hay suy.
Thứ tư “Thời kế” (kể giờ), để vận trù mưu kế sách lược, xác định về chủ, khách, thắng, thua. Phàm thiên văn đổi khác, các nước lân bang động hay tĩnh, thế trận hai bên có tương đương hay không, xã hội bình yên hay có giặc cướp.
Thiếu tướng Chu Phác cho rằng, cách lập quẻ của “Thái Ất thần kinh” không khác gì môn Toán học nhưng cực kỳ rắc rối và khó hiểu, trong đó có cách tính số cục (niên cục, nguyệt cục, nhật cục và thời cục).
Mỗi nguyên tý có 72 năm. Niên cục là số từ 1 đến 72 trong mỗi nguyên tý. Dùng mốc tính tích niên từ Thượng cổ, năm Giáp Tý đời Thiên hoàng, cách năm Công nguyên 10.153.917 năm theo công thức: Tích niên (Tuế tích) = số của năm xem + 10.153.917.
Tích niên chia 3.600. Phần dư của phép chia trên chia 360. Phần dư của phép thứ 2 chia 72, số dư của phép chia này chính là số niên cục.
Số nguyệt cục: Cục tương ứng với tháng gọi là nguyệt cục. Cách tính là lấy số tích tháng từ Thượng cổ, năm Giáp Tý đến tháng xem, cộng thêm hai tháng Tý, Sửu vì người ta dùng lịch kiến Dần; hai tháng này gọi là Thiên Chính, Địa Chính.
Công thức tính: Tính số tích tháng từ định tính so với mốc = (10.153.917 + (năm trước năm có tháng xem)*12 + 2 + (số của tháng xem). Chia số tích tháng tính được cho 360. Phần dư của phép chia trên chia tiếp cho 72, số dư là nguyệt cục.
Số nhật cục tính từ sau tiết Đông chí, tìm ngày Giáp Tý đầu tiên gần nhất sau Đông chí năm trước. Lấy đó làm gốc đếm trở đi, tích cho đến ngày xem, được bao nhiêu là số tích ngày. Chia số tích ngày đó cho 360 phần dư lại tiếp tục chia cho 72, còn dư lại bao nhiêu chính là nhật cục.
Số thời cục theo cách tính: Số giờ từ ngày Giáp Tý hoặc Giáp Ngọ gần nhất đến ngày, giờ muốn tính. Chia số giờ đó cho 360, số dư lại chia tiếp 72 số dư chính là thời cục.
Ông Chu Phác cho rằng, đó chỉ là một trong vô vàn cách tính phức tạp của “Thái Ất thần kinh”. Điều đó lý giải vì sao chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm là học được bí quyết từ cuốn sách này. Theo một số tài liệu, bà Ba Cẩn (Đặng Thị Nhu) – vợ của Đề Thám cũng lĩnh hội được một phần nhỏ từ sách “Thái Ất thần kinh”.
Sấm truyền ứng nghiệm
Sử sách đều thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một của Việt Nam. Ông từng đưa ra lời sấm nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, sau khi thất thủ ở Thăng Long, và sẽ tồn tại ba đời.
Quả nhiên, điều này đúng. Ông còn khuyên Trịnh Kiểm “giữ chùa thờ Phật được ăn oản”, tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua. Nhà Trịnh làm theo và từ đó nối đời cầm quyền, nhưng danh nghĩa vẫn là tôn phò nhà Lê.
Với nhà Nguyễn, từ khi Nguyễn Kim chết, Nguyễn Uông - con cả của Nguyễn Kim đã bị Trịnh Kiểm ám hại. Trước tình thế nguy nan, Nguyễn Hoàng (con trai thứ Nguyễn Kim) đã cho người đến hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu ẩn ý “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời).
Nhờ đó, năm 1568 Nguyễn Hoàng đã xin họ Trịnh vào trấn thủ xứ Thuận Hóa rồi dần xây dựng cơ đồ họ Nguyễn ở phương Nam.
Trong bài thơ “Cự Ngao Đới Sơn”, thuộc tập thơ Bạch Vân am thi tập, ông viết “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”. Câu này như lời khuyên của Trạng Trình với thế hệ sau, rằng phải nắm giữ được biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.
Người dân Nghệ Tĩnh từ lâu lưu truyền những câu sấm truyền của Trạng Trình: “Đụn Sơn phân giải/Bò Đái thất thanh/Thủy đáo Lam Thành/Nam Đàn sinh thánh”. Tạm dịch nghĩa là “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”.
Nhà sử họ Ngô Đăng Lợi (Hải Phòng) cho biết, sau khi thực dân Pháp đàn áp tàn khốc phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những lời sấm truyền này được bàn tán xôn xao. Người dân mong chờ một vị thánh sống xuất thế. Lúc đó, khe Bồ Đái nước ngừng chảy, do đó người dân càng tin hơn.
Trong một cuộc gặp gỡ giữa cụ Phan Bội Châu và học giả Đào Duy Anh cùng nhà nho Trần Lê Hữu, Phan Bội Châu đã nói “nếu Nam Đàn có thánh thực thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc chứ chẳng phải ai khác”.