"Tế bào phân chia gây ra nhiều đột biến. Hầu hết thời gian, các đột biến này không gây hại" - Tiến sĩ di truyền học ung thư Bert Vogelstein từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) giải thích. Ông cho rằng đôi khi quá trình sinh sôi này gây ra ung thư vì "bạn xui xẻo".
Theo National Post, tiến sĩ Bert Vogelstein cùng nhà toán học Cristian Tomasetti đã nghiên cứu 32 loại ung thư để xác định tỷ lệ lỗi sao chép ADN, gen di truyền và yếu tố môi trường gây ra căn bệnh.
Trên tạp chí Science, các tác giả kết luận 66% đột biến dẫn đến ung thư bị gây ra bởi các lỗi sao chép ADN ngẫu nhiên không thể tránh khỏi, 29% do yếu tố môi trường (như hút thuốc, béo phì) còn 5% từ gen di truyền.
Kết luận trên không có nghĩa lỗi sao chép ADN là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hai phần ba số ca ung thư. Đội ngũ nghiên cứu nhấn mạnh cần 3-4 đột biến trở lên mới khiến tế bào trở thành ác tính.
Hơn nữa, tỷ lệ đột biến do lỗi sao chép khác nhau tùy từng loại ung thư. Ví dụ, sự may rủi chịu trách nhiệm cho 77% đột biến ung thư tuyến tụy cũng như hầu hết bệnh ung thư ở trẻ em. Ngược lại, hai phần ba đột biến ung thư phổi xuất phát từ yếu tố môi trường mà chủ yếu là thuốc lá.
Nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins vấp phải nhiều phản đối vì cho rằng khuyến khích cộng đồng coi thường việc duy trì cân nặng cùng chế độ dinh dưỡng khoa học.
Tuy nhiên, nhóm tác giả khẳng định công trình đã bị hiểu sai đồng thời kêu gọi người dân thực hiện lối sống lành mạnh để ngăn ngừa 40% nguy cơ ung thư.