Tuy nhiên, nó thuộc loại tuyến “bé hạt tiêu” vì chỉ một chút trục trặc sẽ làm nhiều chức năng trong cơ thể rối loạn và suy giảm sức khỏe.
Tuyến “ru hồn vào giấc ngủ”
Thuộc nhóm tuyến nội tiết của hệ thần kinh, tuyến tùng ẩn sâu trong não bộ, được hộp sọ bảo vệ một cách chắc chắn và kín đáo. Nó nằm an toàn tại khu vực trung tâm não bộ, trong cái rãnh ngay bên dưới cuống nối giữa hai bán cầu đại não, nơi mà hai mảnh của đồi thị (thalamus) giao nhau.
Điều thú vị là, cứ mỗi chiều chiều, tuyến tùng lại tiết ra hormone melatonin có tác dụng “ru hồn vào giấc ngủ”. Nhờ vậy mà đêm về con người có được giấc ngủ say nồng và thậm chí có người... ngủ gục ngay lúc ban chiều.
Về cấu trúc, tuyến tùng chủ yếu là sự tập hợp của pinealocytes - các tế bào tuyến tùng. Chúng có nhiệm vụ sản xuất ra hormone melatonin. Ngoài ra, cấu tạo tuyến tùng còn có các tế bào thần kinh đệm. Đây là một loại tế bào não đặc biệt có vai trò hỗ trợ dẫn truyền thông tin đến các tế bào khác.
Trong hệ thống thần kinh, tuyến tùng có chức năng điều chỉnh nhịp sinh học của con người và các loài động vật có xương sống nói chung. Nhờ có melatonin, cơ thể cảm nhận được cường độ ánh sáng giữa ngày và đêm hay sự khác biệt về thời tiết giữa các mùa trong năm.
Hàm lượng melatonin được sản xuất ra tùy thuộc vào lượng ánh sáng mà cơ thể tiếp xúc. Thông thường, khi đêm càng về khuya thì tuyến tùng càng phóng thích vào máu một lượng melatonin lớn hơn để tạo ra cảm giác buồn ngủ. Một số loại thực phẩm cũng có khả năng cung cấp melatonin như là một chất hỗ trợ tự nhiên cho giấc ngủ.
Bên cạnh đó, các thành phần trong nội tiết tố do tuyến tùng sản xuất ra có tác động đến sự chuyển hóa tổ chức xương trong cơ thể. Sự thay đổi chức năng của tuyến tùng sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho cấu trúc xương. Tuổi càng cao, chức năng hoạt động của tuyến tùng càng giảm.
Ở phụ nữ sau thời mãn kinh, hormone do tuyến tùng sản xuất ra giảm đáng kể, do đó, xuất hiện tình trạng loãng xương nhiều hơn so với các nhóm khác. Sự loãng xương sẽ làm cho cấu trúc xương bị giòn và dễ gãy nếu bị trượt té hoặc va đập mạnh. Vì vậy, việc bổ sung các loại thuốc và thức ăn có melatonin là rất cần thiết để chống lại sự loãng xương ở những phụ nữ sau mãn kinh.
Các rối loạn về tâm thần kinh cũng có thể làm mất giấc ngủ hoặc khó ngủ. Các nhà khoa học đã chứng minh sự liên quan chặt chẽ giữa trạng thái tâm thần kinh và ánh sáng.
Các bệnh nhân trầm cảm dạng rối loạn cảm xúc theo mùa có khuynh hướng xảy ra khi cường độ áng sáng thấp. Điều này có thể là do những thay đổi của tuyến tùng trong việc sản xuất ra melatonin. Hiện, vấn đề này vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu.
Ngoài ra, hormone melatonin do tuyến tùng sản xuất ra có khả năng ức chế tuyến yên sản xuất ra các loại hormone giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển tinh hoàn, buồng trứng và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.
Đồng thời, tuổi càng cao, cơ thể càng già đi và tuyến tùng cũng sản xuất ra ít nội tiết tố hơn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động sống và sự chuyển hóa của cơ thể. Hàm lượng hormone melatonin thấp được cho là tác nhân gây ra sự khó ngủ, ít ngủ hay mất ngủ ở người già.
Hoặc như, khi tuyến tùng vì một lý do nào đó bị tổn thương và suy yếu các chức năng hoạt động thì các khả năng nhận thức, định hướng về không gian và thời gian bị giảm sút nghiêm trọng.
Điều đáng lưu ý là một số loại thuốc sử dụng trong điều trị bệnh, kể cả các loại thuốc kích thích thần kinh cũng đều có thể ảnh hưởng đến tuyến tùng. Do đó, người sử dụng thuốc cần tuân theo sự chỉ định của các nhà chuyên môn nhằm hạn chế tối đa sự tác động bất lợi này.
U tuyến tùng
U tuyến tùng là một bệnh hiếm gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 0,4 - 1% ở người trưởng thành, trẻ em châu Mỹ và châu Âu khoảng 3 - 8%, châu Á khoảng 3 - 9%. Chính vì sự hiếm gặp này mà người bệnh mơ hồ về các biểu hiện và thầy thuốc cũng bỏ sót trong chẩn đoán. Khi khối u tăng dần về kích thước thì sự chèn ép vào các tổ chức xung quanh cũng gia tăng. Các bộ phận bị tác động bao gồm não thất III, cuống não, tiểu não, hố sau…
U tuyến tùng xếp thành hai nhóm lành tính và ác tính. Nhưng cho dù lành tính thì sự ảnh hưởng của bệnh cũng rất nặng nề, vì sự tác động nghiêm trọng đến nhiều chức năng sống trong cơ thể.
U tuyến tùng có rất nhiều hình thái bệnh lý. Một số loại thường gặp nhất, bao gồm: U nhu mô tuyến tùng, u tế bào mầm, u tuyến tùng dạng nhú, u nguyên bào thông, u tuyến tùng hỗn hợp...
Nguyên nhân gây u tuyến tùng hiện vẫn còn đang nằm trong sự bí mật của Tạo hóa. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ sau đây đã được chứng minh: Chấn thương sọ não gây ra sự tắc nghẽn các ống bài tiết của tuyến tùng, sự mất cân bằng về nội tiết, nhiễm khuẩn hệ thần kinh, các bệnh lý về mạch máu, sự tác động của môi trường đặc biệt là sự ảnh hưởng của bức xạ. Một số trường hợp bị u tuyến tùng là do bẩm sinh.
Biểu hiện thường thấy của u tuyến tùng là triệu chứng của tăng áp lực nội sọ, bao gồm: Nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp thở, nhìn mờ, khó ngước mắt lên trên, khó tập trung hai nhãn cầu, rối loạn tính cách, rối loạn tâm thần kinh, giảm hoặc mất khả năng phối hợp động tác, sự biến động nội tiết tố nghiêm trọng do khối u chèn ép xung quanh.
Khi có bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào xảy ra thì người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán xác định càng sớm càng tốt. Phẫu thuật để giải quyết khối u của tuyến tùng là chỉ định cuối cùng khi mọi nỗ lực điều trị không xâm nhập bị thất bại. Đây là loại phẫu thuật thần kinh não bộ hết sức phức tạp và đòi hỏi nền y học tiên tiến với những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất.