Lưu ý vận dụng kiến thức
Các câu hỏi của bài thi được đánh số lần lượt từ 1 đến 150 gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với bốn lựa chọn từ các đáp án A, B, C hoặc D và 18 câu hỏi điền đáp án. Các giáo viên cho rằng, đề thi có cấu trúc hoàn toàn khác biệt; trong đó khác biệt lớn nhất là không đơn thuần kiểm tra kiến thức được học trong chương trình THPT mà hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện năng lực của thí sinh dự thi.
Với nội dung kiến thức Toán trong bài thi, thầy Hoàng Tiến Đông, Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội nhận định bảo đảm kiến thức cơ bản trong chương trình THPT. Số câu hỏi nhận biết là 25%. Tỷ lệ này với các câu hỏi thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao lần lượt là 30%, 30%, 15%, đáp ứng yêu cầu đánh giá và phân loại HS. HS cần nắm chắc kiến thức cơ bản và có kinh nghiệm vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn sẽ làm tốt bài thi.
Thầy Nguyễn Nhật Huy, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế) đánh giá nội dung toán học không khó, tuy nhiên khả năng phân hóa tốt, kiến thức bao phủ từ lớp 10 - 12. Với phần trắc nghiệm 35 câu, HS cần nắm chắc kiến thức cơ bản và thành thạo công thức để có thể làm nhanh các câu hỏi. Đặc biệt có 15 câu hỏi cần điền đáp án, khác với cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT nên đòi hỏi HS phải có tư duy, khả năng làm bài tự luận, nắm được phương pháp giải toán. Những HS có phương pháp học tập khoa học và nắm rõ kiến thức sẽ làm bài tốt hơn HS chú trọng về các mẹo giải toán nhanh.
Liên quan đến nội dung khoa học, thầy Ngô Duy Bình, Trường THCS - THPT Newton (Hà Nội) lưu ý, HS lớp 12 cần rà soát lại toàn bộ kiến thức của cả 3 năm học bằng việc hệ thống hóa theo sơ đồ tư duy; ôn tập lại kiến thức của năm lớp 10, 11, sắp xếp logic và khoa học, tránh học tủ, học vẹt. Với môn Khoa học tự nhiên, HS chú trọng đến thao tác thí nghiệm, hiện tượng thí nghiệm, hiện tượng trong đời sống để giải quyết câu hỏi thực tế trong đề. Chủ động đọc sách, xem tin tức để bổ sung kiến thức thực tế, những vấn đề “nóng” của xã hội hiện tại giúp giải quyết các vấn đề thực tế có thể gặp trong đề thi.
HS cũng nên rèn luyện cách làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính: Kĩ năng đọc đề, sử dụng máy tính, kể cả kĩ năng nháp để tăng năng suất làm bài thi. Nghiên cứu kĩ đề thi tham khảo của ĐHQG Hà Nội để làm quen với cách thức ra đề, kết hợp cùng giáo viên phát triển bộ đề mới có năng lực tương đương. Với thời gian 195 phút để giải quyết khối lượng kiến thức rất lớn, đòi hỏi thí sinh phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh và có kĩ năng xử lý, giải quyết thông tin thật tỉnh táo. Thí sinh cũng cần chủ động phân chia thời gian hợp lý cho các phần thi vì câu hỏi không sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Với HS lớp 10, 11, thầy Ngô Duy Bình khuyên nên xây dựng lộ trình học tập khoa học, có sự đầu tư nghiêm túc ngay từ những ngày đầu. Tránh học tủ, học lệch vì đề thi giải quyết năng lực toàn diện của HS. Chủ động đọc sách, xem tin tức để bổ sung thêm kiến thức thực tế, những vấn đề “nóng” của xã hội hiện tại. Tích cực tìm hiểu bộ đề phát triển từ bộ đề thi tham khảo từ các nguồn uy tín để rèn luyện khả năng làm bài thi.
Có nội dung đọc thêm, hướng dẫn tự học
Với kiến thức Ngữ văn, thầy Nguyễn Văn Khoa, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) phân tích: Đề có nội dung ngữ liệu chủ yếu ở lớp 12 (19 câu); 5 câu kiến thức lớp 11 và 13 câu là ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Dạng câu hỏi, có 18 câu hỏi về nội dung đoạn trích, câu thơ; 6 câu điền từ thích hợp; 5 câu biện pháp tu từ; 5 câu hỏi về từ sai ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách; 4 câu từ loại. Về chủ đề, phong cách ngôn ngữ, thái độ tác giả, mỗi loại 2 câu. Còn lại là giọng điệu, thao tác lập luận, cách trình bày, phong cách ngôn ngữ - mỗi loại 1 câu.
Định hướng làm bài, thầy Khoa lưu ý kiến thức cần nắm chủ yếu vẫn ở lớp 12 (lớp 11 có nhưng ít) và kiến thức ngoài xã hội. Đặc biệt lưu ý trong bộ câu hỏi vẫn hỏi cả những tác phẩm đọc thêm, hướng dẫn tự học. HS cần nắm được nội dung, tư tưởng chính của các tác phẩm đọc thêm và hướng dẫn.
Để làm được bài thi nội dung Ngữ văn, HS cần nắm kiến thức rộng và ở khắp các mảng như: Nội dung, chủ đề, đề tài, thông điệp, thái độ của tác giả. Phần nội dung lưu ý đến những nội dung chính (luận điểm) của các đoạn thơ, khổ thơ, đoạn trích, nhân vật… chú ý không cần sâu, chỉ cần học rộng. Đề thi chú trọng đến kĩ năng đọc - hiểu. Vì vậy, HS cần có kĩ năng đọc hiểu và phát hiện vấn đề. Đồng thời, lưu ý đến các mẹo như: Dấu hiệu nhận biết của thể loại, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận…
“HS cần học theo các từ khóa để trả lời nhanh nhất. Ví dụ thấy có tiêu đề (cộng hòa xã hội) là phong cách ngôn ngữ hành chính. Các em cần đọc kĩ đề, đọc chuẩn câu dẫn để tránh trả lời sai. Tóm lại, phần kiến thức hỏi sẽ xoay quanh: Từ, câu, ngữ pháp, văn bản… giống như phần đọc - hiểu trong đề thi tốt nghiệp THPT, nhưng có những câu có mức độ khó cao hơn, đòi hỏi HS phải tư duy và thực sự hiểu bản chất mới có thể làm được bài. Cách học duy nhất là: Học và hiểu đúng bản chất của vấn đề; hiểu rộng; nắm được một số mẹo cơ bản khi làm bài” – thầy Nguyễn Văn Khoa lưu ý.