Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giới nghiên cứu đã thành công trong việc giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Hình ảnh phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Hình ảnh phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Sau hơn 20 năm nghiên cứu với hàng chục cuộc khai quật khảo cổ và hội thảo, giới nghiên cứu thành công trong việc giải mã và phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

“Chìa khóa” giải mã cung điện

Ngày 29/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết, lần trưng bày này gồm các tư liệu, hiện vật, mô hình kiến trúc kết hợp công nghệ trình chiếu Mapping, Media về thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Ngoài việc công bố kết quả nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, trưng bày cũng nhằm quảng bá thành tựu nghiên cứu về khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 20 năm, đồng thời khẳng định giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Theo ông Trí, điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia, như: Lễ Đăng cơ, lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần bang giao...

Tòa điện được vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428, được sửa chữa và xây dựng lại vào các năm 1465, 1467. Vào triều nhà Mạc và triều Lê trung hưng, điện Kính Thiên tiếp tục được sử dụng làm nơi thiết triều.

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816 vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới ngay tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá huỷ để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay chính là thềm bậc đá chạm rồng.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật diễn ra xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ có nhiều phát hiện mới, cung cấp nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính điện Kính Thiên trong Cấm thành Thăng Long.

“Tư liệu tin cậy và xác thực của khảo cổ học đã chứng minh chắc chắn rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã các bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho hay.

Từ các kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái và đi đến kết luận, kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng công phu, trang trí cầu kỳ, tráng lệ theo nghi thức cung đình, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều. Đặc biệt có nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc).

Ngói vàng hình rồng dùng để lợp mái điện Kính Thiên. Ảnh: Viện NCKT.

Ngói vàng hình rồng dùng để lợp mái điện Kính Thiên. Ảnh: Viện NCKT.

Mất 20 năm mới có kết quả

Do bị phá hủy từ lâu và không có tư liệu lịch sử hay hình ảnh, bản vẽ nào mô tả nên không thể biết được diện mạo, quy mô và hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê ra sao. Đó cũng là lý do mà suốt 20 năm qua, tốc độ phục dựng không thể nhúc nhích dù kết quả khai quật phong phú đến độ có thể viết thành sách.

Vào tháng 4/2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi làm việc với ông Lazarre Eloundou - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới. Hà Nội mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Trung tâm Di sản thế giới và sự cố vấn về chuyên môn, đồng thời cho biết trong năm 2023 sẽ có đủ cơ sở với những bước đi đầu tiên trong lộ trình khôi phục không gian chính điện Kính Thiên.

Trước yêu cầu cấp bách đó, các chuyên gia đã cùng ngồi lại để kết nối các dữ liệu khảo cổ và xác định mái điện Kính Thiên lợp bằng loại ngói vàng hình rồng. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái riêng biệt, mang tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

Đồng thời, dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng giới khoa học xác định gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,80m, gian hai bên rộng 4,20m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số 9 gian chiều ngang của điện Kính Thiên (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2 (dài 44m, rộng 27m). Trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc (chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ.

Trên cơ sở các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ, đặc biệt là kết quả so sánh với kiến trúc cung điện Đông Á, mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Chìa khóa quan trọng nhất trong việc giải mã hình thái điện Kính Thiên chính là kiến trúc đấu củng.

Chìa khóa quan trọng nhất trong việc giải mã hình thái điện Kính Thiên chính là kiến trúc đấu củng.

“Toà điện xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng, kích thước lớn với 11 bậc, chia làm 3 lối đi. Lối chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng.

Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn son thếp màu đỏ. Kiến trúc thuộc loại kiến trúc đấu củng, trùng diêm, trên mái lợp ngói rồng men vàng được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao”, PGS.TS Bùi Minh Trí khẳng định.

Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long. Đồng thời, đưa giá trị di sản đến gần hơn với công chúng, lan tỏa giá trị văn hóa kinh đô Thăng Long xưa, của Thủ đô Hà Nội nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ