Thảo luận về nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ, từng thu hút đông đảo các nhà khoa học. Tuy nhiên, chỉ dựa vào thềm bậc đá chạm rồng, cùng những hiện vật khai quật được để vẽ lại điện Kính Thiên theo đúng hình thái kiến trúc thời Lê sơ – là một việc rất khó.
Những phát hiện quan trọng
Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tìm cách phục dựng hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam qua các thời kỳ, dựa trên tư liệu khảo cổ học khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Dưới thời Lê sơ, Đại Việt là quốc gia hùng mạnh và nhà Lê đã tiến hành xây dựng kiến thiết kinh đô Thăng Long - dựa trên nền tảng thành Thăng Long thời Lý, Trần. Tuy nhiên, qua khai quật các nhà học nhận định các kiến trúc thời Lê sơ có quy mô lớn hơn với thành cao hào sâu.
Đồng thời, thời kỳ này cũng nổi bật nhiều cung điện, lầu son gác tía tạo thành quần thể cung điện hoàn hảo. Trong đó, Kính Thiên là công trình quan trọng nhất, nằm ở vị trí trung tâm và là nơi vua thiết triều.
Từ năm 2002, cuộc khai quật khảo cổ có quy mô chưa từng có tại 18 Hoàng Diệu đã mở ra một trang sử mới cho kinh đô cũng như Hoàng thành Thăng Long. Kết quả cuộc khai quật đã phát lộ một quần thể di tích kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất cùng một số phát hiện về kiến trúc cung điện thời Trần, thời Lê sơ và thời Lê trung hưng.
Phát hiện quan trọng này đã gây tiếng vang, và từ đây Hoàng thành Thăng Long đã nhanh chóng được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại.
Năm 2014, các cuộc khai quật ở khu vực trung tâm điện Kính Thiên bắt đầu có những phát hiện mới, cung cấp nhiều tư liệu khoa học về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian trong Hoàng cung.
Đặc biệt là kiến trúc thời Lê sơ với phát hiện quan trọng về dấu tích nền móng của hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men màu vàng và xanh lục.
PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Năm nay, chúng tôi tiếp tục tập trung vào nghiên cứu hình thái kiến trúc thời Lê sơ. Đây là chính điện nằm giữa trung tâm, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua và cho Hoàng thành Thăng Long. Do vậy, đây là phát hiện hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ”.
Nền móng chữ “Công”
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, trải qua nhiều biến cố lịch sử, cũng giống như cung điện thời Lý, Trần, toàn bộ kiến trúc cung điện thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long đều không còn. Tất cả đã đổ nát, vùi lấp dưới lòng đất. May mắn duy nhất còn sót lại trên mặt là thềm bậc đá chạm rồng của tòa điện Kính Thiên được dựng vào năm 1467.
Từ đầu năm 2021, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tổng thể về kiến trúc cung điện Việt Nam. Trong đó tập trung vào kiến trúc cung điện thời Lê sơ thông qua những so sánh giữa ba thời kỳ về các loại ngói lợp mái và hình thái bộ mái; nền móng kiến trúc cung điện và bộ khung giá đỡ của bộ mái.
Ông Trí đưa ra hình vẽ tổng thể 2D của tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Hình ảnh cho thấy, cấu trúc mái cung điện với đấu củng, các loại ngói lợp. Trong đó có ngói rồng màu men vàng với hình rồng, giống như phong cách nhiều đồ ngự dụng.
Mặt bằng điện Kính Thiên cũng được vẽ sơ bộ, có nét tương đồng với Lam Kinh - một hành cung của nhà Lê sơ (Thanh Hóa) và kiến trúc cung điện cổ ở châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu điện Kính Thiên hiện nay, là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô và hình thái nền móng. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là cần có những đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện của các loại cấu kiện.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại đưa ra các nghiên cứu về nhiều cấu kiện gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện Kính Thiên. Bước đầu xác định thuộc bộ khung gỗ của một kiến trúc kiểu 2 tầng trở lên với đặc trưng hoa văn sen, mây lửa, phong cách thếp vàng.
Mặc dù vậy, có thể thấy việc vẽ lại điện Kính Thiên vẫn vô cùng khó, nhất là ở mặt bằng. Qua một số nghiên cứu so sánh, các nhà khoa học thấy có những tương đồng giữa mặt bằng điện Kính Thiên với chính điện ở Lam Kinh (Thanh Hóa).
Tuy nhiên, do chưa có khai quật, điện Kính Thiên đến nay cũng chỉ còn lại thềm điện nguyên vẹn. Bởi vậy, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng, dù có những giả thuyết về hình ảnh điện Kính Thiên thời Lê được đưa ra, vẫn cần khai quật khảo cổ và nghiên cứu bổ sung mới có thể phục dựng công trình này.
Từ cơ sở dữ liệu khảo cổ và dấu tích thềm bậc đá chạm rồng còn lại tại điện Kính Thiên, các nhà nghiên cứu thử giải đoán và tiến hành vẽ 3D kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên mô hình mặt bằng giả định kết cấu nền móng là hình chữ 工 (Công). Đồng thời, đưa ra kích thước bước gian, bước cột theo mô hình mặt bằng chính điện Lam Kinh, với tổng diện tích 1.556,8m2 gồm 2 điện chính, mỗi điện có 7 gian, 2 chái.