Tuy nhiên, cành vàng lá ngọc có phải bằng vàng bằng ngọc thật hay không – lại là một câu chuyện đầy bí ẩn.
Bảo vật “kim chi ngọc diệp” có phần thân được làm bằng gỗ thếp vàng, hoa làm bằng thủy tinh đá trắng, lá bằng ngọc màu xanh nhạt, chưng trong chậu pháp lam. Xung quanh gốc mai có thêm các loại thảo mộc khác gồm lan, cúc và trúc tạo thành bộ tứ quý.
Hiện vật thuộc giới quý tộc
Hoa mai luôn là một đề tài quen thuộc của các loại hình nghệ thuật từ xưa. Đó không chỉ một loại hoa biểu tượng cái đẹp, mà còn của sự tốt lành và bao điều ước vọng.
Với triều Nguyễn ở Huế, hoa mai là biểu tượng mùa xuân, là hình ảnh buổi bình minh của triều đại, của dòng họ, của cảnh thái bình thịnh trị. Vì thế, hình ảnh hoa mai xuất hiện rất nhiều trên các đền đài, cung điện và cổ vật xứ Huế. Đặc biệt được biểu hiện qua hiện vật “kim chi ngọc diệp”.
“Kim chi ngọc diệp” là tên gọi một loại hình cổ vật đặc biệt của nhà Nguyễn. Các loại cây, hoa nhân tạo được làm từ vật liệu quý hiếm như vàng ngọc để sử dụng vào mục đích trang trí.
Đây là một dạng cổ vật hiện diện rất nhiều trong các cung điện, lăng tẩm vua chúa ở Kinh đô Huế. Các tác phẩm này là vật minh chứng cho cuộc sống vương giả trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Những người có điều kiện để sắm sửa và thưởng ngoạn là quan lại, vua chúa, hoàng tộc... Vì thế, rất ít người được nhìn tận mắt những báu vật này.
TS Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết, ông từng được TS Nguyễn Văn Cường mời vào tham quan kho “bảo mật” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tại đây, ông đã mục sở thị hiện vật cành vàng lá ngọc.
Tuy nhiên theo ông Trung, có lẽ sau nhiều phen lưu chuyển, tất cả các lá ngọc, hoa ngọc đều bị bóc khỏi thân cành, nên chỉ có thể hình dung từ thân cành ấy để có thể suy luận kiểu dáng. “Thú thực, nó không mấy đẹp. Vì rằng gò từ vàng lá nên cành vàng lá ngọc thiếu hẳn phần hồn cốt tự nhiên.
Có lẽ, vì khó tạo hình hình dáng tự nhiên của cây mai từ chất liệu vàng lá qua kỹ thuật cuộn ống và gò dũa, nên cành vàng lá ngọc bằng chất liệu đúng như tên gọi được chế tác không nhiều. Bởi vậy, chỉ thấy ở kho “bảo mật” có 1 hiện vật loại này”, TS Nguyễn Phước Hải Trung cho hay.
Ngược lại, cành vàng lá ngọc ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được chế tác từ gỗ, kết hợp kỹ thuật sơn mài, điêu khắc đá nên hồn cốt rất sinh động, hài hòa. Trên thực tế, dư luận xã hội trước đây rất quan tâm đến bản chất của loại hình cổ vật này, nhưng vẫn chưa có cách đánh giá và nhận thức thật sự đầy đủ.
Cành gỗ thếp vàng, gắn lá ngọc
Chậu mai trắng - kim chi ngọc diệp. |
Thực tế cho thấy, tất cả những câu chuyện liên quan đến loại hình cổ vật “kim chi ngọc diệp” bằng vàng thật đã không còn ở Huế. Do vậy, chúng ta chỉ có cơ hội để biết và cùng nhận thức về một loại cành vàng lá ngọc có niên đại muộn của hệ thống các cổ vật “kim chi ngọc diệp” vốn tồn tại với sinh hoạt của Hoàng cung Huế xưa.
TS NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Theo TS Nguyễn Phước Hải Trung, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trưng bày 4 hiện vật cành vàng lá ngọc có thân và cành bằng gỗ, thếp vàng, lá ngọc, gắn trong chậu pháp lam. Trong đó có 2 chậu lan, 1 chậu mai trắng, 1 chậu mai đỏ và 1 chậu lựu.
Chậu hoa lan có hình thức đồng dạng, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá thạch anh màu tím nhạt, lá bằng đá màu xanh nhạt, có nhụy là các hạt nhỏ màu vàng gắn vào nhau bằng các sợi kim loại. Toàn bộ được đặt trong chậu hình chữ nhật, vát 4 góc, thành chậu chạm nổi các chi tiết hoa lá, có 4 chân quỳ.
Chậu đào lựu có thân bằng gỗ thếp vàng, hoa đỏ, lá màu xanh nhạt. Xung quanh gốc có các loài lựu, trúc, nấm linh chi và cũng có 2 giả sơn màu xanh phối xung quanh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, hình chữ nhật vát 4 góc, trang trí hoa lá rơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc, chậu có 4 chân hình kỷ.
Chậu mai, thân bằng gỗ thếp vàng, hoa bằng đá trắng, lá màu xanh nhạt. Xung quanh gốc mai có các loài lan, cúc, trúc bằng đá để làm nên motif về tứ quý mai - lan - cúc - trúc, nhưng chủ thể thẩm mỹ vẫn là cây mai.
Mai, lan, trúc, cúc là một biểu tượng quen thuộc của thẩm mỹ phương Đông. Mai (họ mơ, đào) nở vào mùa đông và xuân, chịu đựng lạnh lẽo. Lan kiều diễm mảnh mai, hương thơm thâm trầm. Trúc ngay thẳng, tiết tháo. Cúc trải sương giá mà chẳng héo hon, có ý chí thách đố thiên nhiên. Bởi vậy, người xưa lấy đó làm biểu tượng, đặt tên cho bốn loại này là “Tứ quân tử”.
Ngoài ra, còn có 2 giả sơn nhỏ phối bên cạnh. Toàn bộ được đặt trong chậu bằng pháp lam, hình chữ nhật vát 4 góc, trang trí hoa lá rơi, chữ thọ bằng men ngũ sắc, chậu có 4 chân hình kỷ. Hiện vật mô tả cây mai trắng này là hoàn chỉnh và đẹp nhất trong hệ thống cành vàng lá ngọc hiện đang lưu giữ ở Huế.
Ở lăng Tự Đức, tại nội thất điện Hòa Khiêm từ xưa đến nay có trưng bày 8 chậu cành vàng lá ngọc với nhiều kiểu dáng khác nhau, miêu tả các loài như cúc, đào, mai, lựu... Tuy nhiên, các chậu này đều bị hư hỏng nặng, bị biến dạng nhiều, các phần hoa, lá trên cành vàng đã bị rụng và mất rất nhiều.
Ở lăng Thiệu Trị, hiện còn và chuyển về bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 10 chậu cành vàng lá ngọc. Diễn biến về thực trạng cũng tương tự như các chậu ở lăng Tự Đức. Tuy nhiên, cả 10 chậu này đều được làm bằng pháp lam, rất tinh xảo.
Cành vàng lá ngọc có thật là vàng?
Trước đây, dư luận băn khoăn về loại cành vàng lá ngọc có thân và cành bằng gỗ thếp vàng. Và đã từng có người đặt câu hỏi với các nhà quản lý văn hóa và cổ vật về tính chân thực.
Trong sử sách, tuy không cụ thể nhưng ít nhiều cũng đã có ghi nhận về sự có mặt của loại hình cành vàng lá ngọc kiểu này. Năm 1837, gặp dịp Đại khánh, vua cùng các hoàng tử công, hoàng tử, hoàng tử thân công, văn võ bách quan đến cung Từ Thọ dâng lễ phẩm chúc mừng, trong đó có: “…Ít đôi chậu cảnh cành vàng lá ngọc; 1 cái chậu bạc trổ hoa, khảm hạt ngũ sắc thành chữ “Thiên hạ thái bình”; 1 đôi bình hoa to bằng đồ sứ nước Tây vẽ toàn hoa vàng và 100 bộ áo gấm, đoạn, sa lĩnh các màu”.
Gần đây, khi tiến hành dịch nghĩa và chú thích cho 191 bài thơ trên điện Thái Hòa, TS Nguyễn Phước Hải Trung phát hiện thêm một cứ liệu đáng tin cậy để bổ sung cho thực tế chất liệu của hiện vật cành vàng lá ngọc. Đó là một bài thơ bằng chữ Hán viết trên nền pháp lam tại mái trước ngoại thất điện Thái Hòa.
“Lục diệp cửu vô suy/ Bạch hoa xán tứ thì/ Phương tùng huyền xích quả/ Hắc thụ quải kim y” - Nghĩa là: Lá xanh mãi không héo/ Hoa trắng rực bốn mùa/ Khóm cây thơm lơ lửng quả đỏ/ Thân cây đen lại khoác áo vàng.
Sở dĩ TS Nguyễn Phước Hải Trung cho bài thơ trên là cứ liệu tin cậy vì các lý do, như: Viết trên nền pháp lam, bài thơ cũng được in trong “Ngự chế thi sơ tập” (quyển 5, tờ 7b) của vua Minh Mạng. “Căn cứ vào nội dung bài thơ của vua Minh Mạng ở trên thì đối tượng miêu tả trong bài thơ này chính là hiện vật cành vàng lá ngọc cây mai trắng được trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế”, ông Trung cho biết.
Đồng thời, bài thơ trên được đặt trong một tổng thể với các bài có tính chất vịnh vật. Bên cạnh cành vàng lá ngọc, có một số bài thơ vịnh hoặc đề cập đến các loại đồ dùng trong cung như bình hoa, cái quạt, cái lồng ấp, tấm rèm, cây bút, mũ miện, cái sênh tiền, lá cờ…
Hơn nữa, người xưa thường miêu tả các sự vật, hiện tượng với cái nhìn trực quan, thấy và miêu tả sự vật, qua đó gửi gắm tình cảm. Do vậy, sự miêu tả mang tính định danh của vật nói đến được xem như là một yêu cầu. Đặc biệt, câu cuối phản ánh một độ chính xác có tính định danh sự vật rất cao: Thân cây đen lại khoác áo vàng (Hắc thụ quải kim y).
Theo ông Trung, câu thơ lột tả bản chất kỹ thuật của quá trình sơn thếp cành vàng. Theo công nghệ sơn thếp truyền thống, sau khi cốt của vật (ở đây là thân và cành) đã hoàn tất. Người ta dùng tạp chất gồm sơn ta trộn với đất phù sa để “hom” và “bó” lên rồi mài đi, tùy theo yêu cầu mà dao động từ 5 - 7 lớp “hom bó” và mài như thế.
Sau lớp mài cuối cùng, lại dùng sơn ta phết lên, đợi ráo thì thếp vàng quỳ. Đất phù sa trộn với sơn ta sẽ cho một tạp chất có màu đen, càng để lâu càng đen. Bởi vậy, “thân cây đen lại khoác áo vàng” cũng là hệ quả của quy trình kỹ thuật này.
“Việc có thêm một loại tài liệu đáng quan tâm như thế đã góp phần làm rõ thêm về thực tế của các loại cành vàng lá ngọc đang được bảo quản, trưng bày ở các di tích Huế và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế”, ông Trung khẳng định.