Giai đoạn im lặng có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non

GD&TĐ - Với những chủ trương đúng đắn, tích cực thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước, Việt Nam được xem là quốc gia có những cải thiện nổi bật ở bậc học này trong 10 năm vừa qua.

Ngôn ngữ là một trong những rào cản của giáo dục mầm non ở những khu vực miền núi, nhiều trẻ DTTS
Ngôn ngữ là một trong những rào cản của giáo dục mầm non ở những khu vực miền núi, nhiều trẻ DTTS

Đặc biệt là tỷ lệ trẻ mầm non đến trường ở mức cao đạt 99.6%. Các chương trình của chính phủ nhằm củng cố hệ thống cơ sở vật chất trong trường mầm non được củng cố, mở rộng, đảm bảo tạo môi trường học tập tối thiểu cho trẻ. Đội ngũ giáo viên mầm non được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Sự đổi mới liên tục của chương trình GDMN, sự nâng cao về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục đã chuẩn bị cho trẻ về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm, kỹ năng xã hội để trẻ sẵn sàng, tự tin vào bậc học tiểu học. 

Tuy nhiên có thể thấy rằng trong các các báo cáo của chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ cũng thể hiện rõ, những cải thiện nổi bật trên không đồng nghĩa với việc đem lại sự tiếp cận đồng đều về chất lượng đối với tất cả trẻ em, đặc biệt là những trẻ có tình trạng tổn thương cao, trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS). Một trong những rào cản có ảnh hưởng chính đến quá trình học tập và sự tham gia của trẻ trong lớp học đó chính là rào cản ngôn ngữ. 

Cô V.M.P – một giáo viên mầm non tại tỉnh Quảng Nam chia sẻ về khó khăn này: “Mặc dù với nhiều năm kinh nghiệm, tuy nhiên chăm sóc và dạy trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tại địa bàn với đa số trẻ là trẻ em dân tộc Cơ Tu với nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và nhận thức của cha mẹ về tầm quan trọng của giáo dục. Trẻ chỉ thực sự học Tiếng Việt khi bắt đầu đến trường mầm non. Điều này dẫn đến những khó khăn về mặt giao tiếp của trẻ cũng như hạn chế khả năng tiếp thu kiến thức, hòa nhập với các bạn trong lớp. Mặc dù đã áp dụng các phương pháp sư phạm để hỗ trợ trẻ phát triển khả năng sử dụng Tiếng Việt, tuy nhiên quá trình này cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều giáo viên chia sẻ: Với tâm lý làm thế nào để trẻ có thể giáo tiếp Tiếng Việt nhanh nhất có thể, giáo viên gặp nhiều lúng túng và áp lực trong việc dạy trẻ. Và đây là vấn đề không chỉ của riêng một mình cá nhân của cô Phương, mà của cả những giáo viên mầm non khác ở những huyện, tỉnh miền núi, nơi có nhiều trẻ em là người DTTS.

Để giúp giáo viên mầm non nắm rõ được nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn mà giáo viên mầm non đang gặp phải, bài viết này phân tích và đưa một số ví dụ trong thực tiễn về mặt lý thuyết các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ khi học một ngôn ngữ thứ hai, và thông qua đó cũng đề xuất các giải pháp để giáo viên mầm non hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn.

Trong nhiều tài liệu khoa học về phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non nhấn mạnh “Đối với trẻ nói song ngữ, mặc dù tốc độ phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ là khác nhau, nhưng các cột mốc của sự phát triển ngôn ngữ đối với tất cả các ngôn ngữ đều giống nhau. Trẻ em song ngữ trải qua quá trình tương tự như trẻ chỉ học một ngôn ngữ”.

Giai đoạn im lặng có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ mầm non ảnh 1

Mặc dù có những sự khác biệt giữa các trẻ, nhưng thông thường khi trẻ học ngôn ngữ thứ hai sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển ngôn ngữ dưới đây: 

Giai đoạn 1: Trẻ vẫn sử dụng rất nhiều ngôn ngữ ở nhà khi đến trường , (Ví dụ: Sử dụng tiếng Cơ Tu trong khi ngôn ngữ dạy và học ở trường là Tiếng Việt). Giai đoạn này sẽ diễn ra trong một thời gian ngắn khi trẻ mới đến trường. Trẻ tin rằng, cô và các bạn ở trường cũng nói cùng một ngôn ngữ như mình. 

Giai đoạn 2: Sau một vài ngày bắt đầu đến trường, trẻ nhận ra rằng cô không nói ngôn ngữ giống như mình, cô không hiểu mình đang nói gì, và bắt đầu bước sang giao đoạn tiếp theo. Giai đoạn im lặng: Trẻ giữ im lặng và gần như không giao tiếp với cô cũng như các bạn. sĐiều này là do trẻ không có đủ vốn từ vựng để nói một cách tự tin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ đang không học, trẻ vẫn đang tiếp thu dựa trên những quan sát, nghe được và trẻ sẽ hiểu được nhiều hơn mỗi ngày

Giai đoạn 3: Giai đoạn này trẻ sẽ bắt đầu nói một vài câu ngắn. Đây thường là những câu đơn hoặc các cụm từ cố định mà trẻ nghe được ở lớp. Trẻ bắt chước những gì cô và các bạn nói. Trẻ sử dụng Tiếng Việt ở giai đoạn này chưa được chính xác, còn nhiều lỗi sai, vài đặc biệt chưa sáng tạo. 

Giai đoạn 4: Vào cuối năm đầu tiên, hầu hết trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ thành thạo. Trẻ vẫn mắc lỗi nhưng đã có thể thể hiện ý mình.

Bộ tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên nhằm xóa bỏ các rào cản ngôn ngữ trong trường mầm non do VVOB biên soạn
Bộ tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên nhằm xóa bỏ các rào cản ngôn ngữ trong trường mầm non do VVOB biên soạn

Lý thuyết này có ý nghĩa như thế nào đối với giáo viên? Liệu giáo viên có thể giúp trẻ đồng bào dân tộc nói Tiếng Việt một cách lưu loát 

Với khung lý thuyết về 4 giai đoạn phát triển ngôn ngữ ở trẻ, câu trả lời là các cô giáo hoàn toàn có thể hỗ trợ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển tiếng Việt của mình đến mức lưu loát bắt đầu ở sau giai đoạn 4. Một yếu tố cần lưu ý trong các giai đoạn này như là giáo viên cần tôn trọng giai đoạn im lặng của trẻ, không ép trẻ nói tiếng Việt ngay ở giai đoạn đầu tiên khi trẻ mới đến trường, giáo viên cần tạo những tương tác giàu ngôn ngữ để trẻ có thể tiếp thu ngôn ngữ mới một cách từ từ, và hãy kiên nhẫn để chờ đợi cho đến khi trẻ thật tự tin.

 Cũng theo cô M.P chia sẻ:  “Sau khi hiểu về mặt khoa học của 4 giai đoạn trẻ trải qua khi học ngôn ngữ thứ hai, tôi và các giáo viên trong trường đã thay đổi cách nghĩ và áp dụng vào công việc hằng ngày, tôi không ép trẻ phải nói bằng được trong ngày đầu tiên trẻ đến trường và luôn tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ, diễn đạt theo cách mà trẻ cảm thấy an toàn. Điều mà CBQL và GV trường tôi không ngờ được, và tôi cũng không biết rõ đã thay đổi từ bao giờ là các bạn lớp tôi đã dần dần sử dụng Tiếng Việt trong hầu hết các hoạt động học tập, vui chơi ở lớp một cách thành thạo. Cảm giác thoải mái và sự tham gia của trẻ cũng được cải thiện hơn. Tôi nghĩ rằng điều cốt lõi nhât mà CBQL và GV trường tôi thay đổi cách tiếp cận chính là việc đã tôn trọng giai đoạn im lặng của trẻ”. 

Việc tôn trọng giai đoạn im lặng của trẻ, và hiểu được trẻ vẫn đang tiếp thu ngôn ngữ mới trong giai đoạn im lặng của mình cũng giúp giảm tải về mặt áp lực cho CBQL và giáo viên trong việc làm thế nào “trẻ phải nói tiếng Việt” trong những ngày đầu ra lớp. 

Ở những bài viết  tiếp theo , chúng tôi sẽ chia sẻ với độc giả về “sử dụng văn hoá địa phương để dạy tiếng việt cho trẻ”, “xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ”, và “các kĩ thuật hỗ trợ trẻ phát triển vốn tiếng Việt tại góc chơi”.

Tài liệu tham khảo: 

https://meertaligheid.be/assets/pdf/meertalige-taalverwerving.pdf

http://taalunieversum.org/onderwijs/taalforum/toon_vraag.php?vraagid=104

https://metrotaal.be/content/3-bouwstenen/1-kennis/bronnenkaart-meertalige-taalverwerving.pdf

Cummins, J. (1984)
Bilingualism and Special Education. Issues in the Assesment and Placement. Uitgever: Multilingual Matters, Clevedon

https://overtuigendcommuniceren.files.wordpress.com/2015/01/tweedetaalverwervingsproces.pdf

http://www.ascd.org/publications/books/108053/chapters/The-Stages-of-Second-Language-Acquisition.aspx

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ