Giai điệu của một tấm lòng

GD&TĐ - Thơ ca nhiều khi là câu chuyện của tấm lòng. Tấm lòng ấy sẽ đẹp hơn khi người nghệ sĩ đau đáu hướng về con người, về cuộc đời với nguyện ước cao cả thiêng liêng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

NGUYỄN HỒNG VINH

Ngược xuôi ngọn gió hòa bình

Chỉ hơn 3 thập niên

Máu đã đổ ở Irắc, Chesnhia, Ucraina, Xu đăng...

Kẻ đang nắm quyền tìm cách triệt hạ kẻ muốn tiếm quyền

Bạo lực đè lên bạo lực

Nay ngọn gió hòa bình đang thổi trên đất Afganistan chăng?!

Chữ NGỜ, nào ai hiểu hết?!

Nhân loại song hành cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt

Không có máy bay quần đảo trên trời

Càng không nghe tiếng đạn nổ, bom rơi

Mà hàng triệu sinh linh khắp hành tinh bỏ mạng!

Thế giới đảo điên

Chỉ hơn một năm

Bốn đợt vi rút Côrôna bùng phát

Bệnh viện dã chiến mọc lên không kịp

Phường, xã cắt chia

Lòng người ly cách...

Nỗi kinh hoàng xé giằng giấc ngủ

Kiếp người lắm nỗi truân chuyên

Cầu mong ngọn gió hòa bình cùng chiều gió bình yên

Nhân loại chung tay đẩy lui chiến tranh và dịch dã!...

Hà Nội, 18/8/2021

Đọc bài thơ “Ngược xuôi ngọn gió hòa bình” của nhà báo, nhà thơ đất Thành Nam Nguyễn Hồng Vinh, ta cảm nhận được sau những câu thơ rất đời là niềm tin, ước mong về cuộc sống bình yên khắp chốn muôn nơi.

Bài thơ được tác giả viết cách đây không lâu (ngày 18/8/2021 tại Hà Nội), ấn tượng đậm sâu nhất với tôi khi đọc thi phẩm là chất thế sự nóng hổi. Nhà thơ tinh tế, chọn lựa những vấn đề nóng nhất của nhân loại để chiêm nghệm, suy tư, bộc lộ nỗi niềm của mình.

Bốn dòng thơ mở đầu, Nguyễn Hồng Vinh tái hiện về một chuyện muôn đời của nhân loại: Chiến tranh. Lâu nay, người ta cứ ngỡ nhân loại đang sống trong hòa bình, hội nhập, phát triển.

Điều đó đúng mà chưa đủ, nhiều dân tộc, quốc gia máu vẫn đổ, súng đạn vẫn vang rền. Thủ pháp liệt kê giúp nhà thơ điểm lại những cuộc chiến thảm khốc thương đau nhất trên thế giới mấy mươi năm qua ở Irắc, Chesnhia, Ucraina, Xu đăng... và nhất là Afganistan.

“Bạo lực đè bạo lực”, những cuộc chiến dù bất kì hình thức nào cũng sẽ dẫn đến nỗi đau, máu và nước mắt của người dân vô tội. Nguyên do, theo nhà thơ “Kẻ đang nắm quyền tìm cách triệt hạ kẻ muốn tiếm quyền”. Khép lại đoạn thơ đầu là một câu hỏi nhói lòng: “Nay ngọn gió hòa bình đang thổi trên đất Afganistan chăng?!”.

Tôi nghĩ, rất khó để “ngọn gió hòa bình” trở lại nơi đây một khi súng vẫn nổ, bạo lực vẫn còn. “Thơ là hiện thực, là cuộc đời”, song ẩn sau câu chữ là niềm đau, niềm thương của người cầm bút.

Từ chuyện chiến tranh, tác giả chuyển qua chuyện dịch bệnh bằng một chữ “NGỜ” viết hoa độc đáo: “Chữ NGỜ, nào ai hiểu hết?”. Đúng vậy, cuộc sống nào ai đoán biết được chữ “NGỜ”. Chữ “NGỜ” khiến nhân loại không kịp trở tay. Sự bình yên bị phá vỡ bởi đại dịch Covid-19. Nỗi đau chất chồng nỗi đau cũng bởi vi rút Côrôna.

Cuộc chiến “không có máy bay”, “không tiếng đạn nổ, bom rơi” nguy hiểm, khôn lường hơn hết thảy các cuộc chiến tranh. “Kẻ thù giấu mặt” cướp đi “hàng triệu sinh linh” trong khoảng thời gian ngắn, “chỉ hơn một năm”. Câu thơ mang hơi thở cuộc sống, chạm đến nỗi đau của muôn triệu trái tim, làm cay xè khóe mắt. Các từ ngữ giá trị, có sức biểu cảm lớn được tác giả sử dụng: “Đảo điên”, “cắt chia”, “li cách”.

Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau bởi Covid. Những cuộc chia li không ngày gặp gỡ, những cái chết trong cô độc đớn đau. Với hai đoạn thơ, mười một dòng, Nguyễn Hồng Vinh đã nói được, nói đủ những thảm kịch xót đau của nhân loại, của đất nước bởi đại dịch Covid.

Bài thơ được kết cấu một cách đặc biệt, gồm bốn đoạn thơ. Ba đoạn đầu nói về cái chi tiết, cụ thể. Nào là chuyện chiến tranh, chuyện dịch bệnh. Đoạn kết mang ý nghĩa khái quát, lắng sâu cảm xúc, suy tư của người cầm bút:

Nỗi kinh hoàng xé giằng giấc ngủ

Kiếp người lắm nỗi truân chuyên

Cầu mong ngọn gió hòa bình cùng chiều gió bình yên

Nhân loại chung tay đẩy lui chiến tranh và dịch dã!...

Tựu chung lại, dịch dã, chiến tranh trở thành nỗi “kinh hoàng” của nhân loại, làm cho “Kiếp người lắm nỗi truân chuyên”. Song, giữa tận cùng nỗi đau, người viết vẫn thổi vào đó nguyện ước đẹp và niềm tin chiến thắng: “Cầu mong ngọn gió hòa bình cùng chiều gió bình yên. Nhân loại chung tay đẩy lui chiến tranh và dịch dã!...”.

Tác giả tin, chúng ta tin sự “chung tay” đoàn kết sẽ đẩy lùi bóng tối khổ đau, chiến tranh biến mất, dịch dã bị đẩy lùi, muôn nơi sẽ bình yên hạnh phúc. Bài thơ hay bởi trong nỗi buồn vẫn thắp lên niềm tin, hi vọng. Tấm lòng đẹp, nguyện ước thiêng liêng của nhà thơ thật đáng quý biết bao nhiêu.

Thơ hay phải nói được điều người khác biết mà không thể nói ra. Chuyện chiến tranh, nhất là dịch bệnh Covid-19 hơn năm qua ai cũng biết, có điều thể hiện bằng thơ, nhất là những bài thơ có giá trị nhân văn không dễ.

Bằng tài nghệ thi ca, nhất là tấm lòng đẹp với cuộc đời, Nguyễn Hồng Vinh đã sáng tạo nên một bài thơ để nhớ, để thương trong lòng đọc giả “Ngược xuôi ngọn gió hòa bình”. Giữa mùa dịch cam go, những câu thơ viết trong niềm đau vẫn ánh lên niềm tin và tỏa sáng một ân tình đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ