Triết lý nhân sinh qua hai bài thơ Ngôn hoài và Cảnh rừng Việt Bắc

GD&TĐ - Ngôn hoài (Tỏ lòng) của Không Lộ thiền sư và Cảnh rừng Việt Bắc của Hồ Chí Minh là hai bài thơ tiêu biểu thể hiện triết lý nhân sinh trong mối quan hệ, ứng xử với thiên nhiên, vạn vật.

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet

Xét ở một phương diện nào đó thì Ngôn hoài (Tỏ lòng) và Cảnh rừng Việt Bắc là sự nối tiếp dòng thơ sơn thủy (Trung Quốc); hai-cư (Nhật Bản) và ca dao – dân ca người Việt. Tuy nhiên, sự tiếp nối đó chỉ xét ở bình diện tình yêu và niềm cảm hứng say mê, còn âm sắc là ở triết lý cuộc đời kết tinh từ hơi thở cuộc sống – âm vang thời đại mà nhà thơ sinh sống, trải nghiệm.

1.

Trong quan hệ ứng xử với thiên nhiên, phương Đông đặc biệt coi trọng sự hòa đồng và gắn bó giữa con người với thiên nhiên đất trời. Với quan niệm con người và vũ trụ là một, văn hóa phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng rất yêu thiên nhiên, thả hồn mình vào thiên nhiên để cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết của nó và cũng để rung động, yêu thương, chưng cất một khoảng bình yên của cõi lòng sau bao vướng bận và lo âu. Tìm đến với thiên nhiên, xem thiên nhiên là người bạn tâm tình đã trở thành lẽ sống của những tâm hồn đồng điệu suốt dặm dài trong hành trình sự sống.

2.

“Ngôn hoài” ra đời vào thế kỉ XI, thời mà tinh thần bác ái của đạo Phật đã kết hợp với ý thức tự cường dân tộc rất nhuần nhuyễn để tạo ra vẻ đẹp độc đáo của lịch sử tư tưởng dân tộc. Không Lộ thiền sư là nhà sư theo đạo Thiền có tên hiệu là Không Lộ. Ông sống giản di, điềm đạm, không màng danh lợi, thích du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh. Lối sống và nhân cách thanh cao là vẻ đẹp nổi bật của nhà sư – nhà thơ Không Lộ.

Còn “Cảnh rừng Việt Bắc” của Hồ Chí Minh được sáng tác vào năm 1947, nghĩa là thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hai bài thơ ra đời trong hai hoàn cảnh, hai thời đại, của hai nhà thơ khác nhau - một của nhà sư theo đạo Thiền và một của vị chủ tịch nước – lãnh tụ cách mạng. Nhưng kì diệu thay, điểm giao thoa, gặp gỡ giữa hai hai tiếng thơ lại là lời đồng vọng về lẽ sống mang ý nghĩa triết lý nhân sinh trong tâm hồn con người phương Đông.

3.

Xin được bắt đầu từ bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư:

Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch thơ:

Tỏ lòng

Kiểu đất long xà chọn được nơi,

Tình quê nào chán suốt ngày vui.

Có khi đỉnh nủi trèo lên thẳng,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

                                Phan Võ (dịch)

Quan niệm chọn đất có mạch long xà (rồng rắn) để dựng nhà cho yên vui, thịnh vượng là quan niệm phong thủy của người xưa. “Quan niệm đó càng mang tính chất thần bí nhưng là tin thật và vui thật với cuộc sống trần gian, cuộc sống hiện tại của mình” (GS Nguyễn Đình Chú). Kiểu đất long xà là kiểu đất đẹp, vì theo Kinh Dịch, long xà tượng trưng cho quý nhân. Nếu Không Lộ tin phong thủy chắc hẳn ông bằng lòng với mảnh đất này. Nhà tu hành vui khi chọn được mảnh đất với địa thế long xà thịnh vượng để hành đạo.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về hai chữ long xà và câu thơ thứ nhất. Tuy nhiên, đặt nó trong mối tương quan với câu thơ thứ hai thì theo chúng tôi dấu ấn sâu đậm nhất ở trong ý thơ của Không Lộ vẫn là tình quê chan chứa. Nghĩa là con người vui trước vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên với cảnh đồi núi trập trùng, uốn lượn quanh co như rồng, như rắn, vừa mềm mại, vừa thanh thoát, đem đến niềm cảm xúc dồi dào, niềm vui mê say.

Vì thế lòng quê đã trở thành tình quê trong chốn bình yên của khoảng trời hạnh phúc ngay giữa trần gian. Còn gì cao quý hơn một nhà sư – vốn được xem là người thoát tục vẫn gắn bó với cuộc đời trần thế! Sáng lên trong hai câu thơ đầu là tâm hồn bình dị, gắn bó với đồng quê Việt Nam, từ đó mà thong dong tự tại, với niềm vui đạm bạc không bao giờ hết:

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

Nếu hai câu thơ đầu giọng điệu thong thả, ung dung với tâm hồn tự tại an lành trong niềm vui thôn dã thì hai câu sau bỗng vụt lên một ý thơ bất ngờ đến kì lạ. Đó không còn là sự ung dung của một tâm hồn tự tại đang ngâm khúc du quê trên miền thôn dã mà là sự bừng tỉnh để đi đến hành động. Hành động đó, trạng thái tâm lí đó mạnh mẽ đến dứt khoát. Vì sao ư? Đó là “tham vọng của nhà tu hành muốn có khí lực quảng đại, pháp thuật diệu kì” (Đinh Gia Khánh); đó là “tiếng thét hả hê của một nhà thơ lớn, hơn nữa một con người thèm khát một cuộc sống khoáng đạt” (Bùi Văn Nguyên).

Trở lại với quan niệm coi trọng sự hòa đồng và gắn bó giữa con người với thiên nhiên của phương Đông ta dễ nhận ra điều kì diệu vô cùng rằng, hai câu thơ thể hiện khát vọng vươn tới sự hòa đồng với thiên nhiên,vũ trụ ngay nơi cuộc sống trần gian.

Với ý nghĩa đó, chúng tôi rất tâm đắc ý kiến của GS Nguyễn Đình Chú: Con người cần có cái vui trần thế nhưng cái vui trần thế đó phong phú đến bao nhiêu cũng chưa đủ. Con người còn phải vươn tới trời đất vũ trụ bao la. Đó là một nhu cầu nhân bản cao đẹp và rất tự nhiên của nhân loại và cũng chỉ nhân loại mới có từ bao đời nay. Càng vui với tình quê, cái cảm hứng, khát vọng vươn tới trời đất bao la càng mãnh liệt bấy nhiêu… Đó phải chăng là sức mạnh phi thường của nhà sư khi giác ngộ đạo, của con người khi đạt tới đỉnh cao của sự hiểu biết.

Bài thơ ngắn gọn mà chứa đựng một cảm thức, một tư thế nhân sinh lớn lao cao đẹp. Triết lý nhân sinh sâu sắc của bài thơ là ở sự khẳng định: Hạnh phúc con người là sự hài hòa giữa niềm vui trần thế và niềm vui lý tưởng. Gắn bó với cuộc sống nhưng đừng thỏa mãn an lạc với hiện tại mà luôn khao khát vươn lên, khám phá, sáng tạo bằng bản lĩnh vững vàng và tâm hồn thanh thản.

Triết lý nhân sinh qua hai bài thơ Ngôn hoài và Cảnh rừng Việt Bắc ảnh 1

4.

Trở lại với bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc” của Hồ Chí Minh ta lại hiểu thêm nét đẹp tâm hồn của con người Á Đông. Đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ra đời, đúng như nhà thơ Xuân Diệu nói: “Bài thơ này nhằm mục đích động viên tập thể Hội đồng chính phủ, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức chưa quen sống trong cảnh thiếu thốn, gian khổ ở chiến khu Việt Bắc.

Mặt khác đến với cuộc kháng chiến chưa ai dễ dàng tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng”. Thơ động viên tốt phải là thơ vui. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đi vào tìm hiểu ý nghĩa lời động viên của bài thơ mà xin được đi từ vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc qua sự cảm nhận của một tâm hồn Á Đông để khám phá triết lý nhân sinh của nhà thơ – nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Hãy đọc lại bài thơ lần nữa:

Cảnh rừng Việt Bắc

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày,

Khách đến thì mời ngô nếp nướng,

Săn về thường chén thịt rừng quay.

Non xanh, nước biếc tha hồ dạo,

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say.

Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Câu thơ mở đầu có chữ hay, thật là hay mang ý nghĩa khái quát, gợi lên tinh thần chung của cả bài thơ. Hay có nghĩa là thú vị, là lạ. Đằng sau chữ hay là nụ cười thân mật, cởi mở, thoải mái. Đó là lời tri âm với khung cảnh núi rừng Việt Bắc. Năm câu tiếp theo là sự cụ thể hóa cho cái hay đó.

Thú vị và hấp dẫn làm sao bởi ở Việt Bắc có nhiều điều rất vui, rất thú mà ấm áp vô cùng: Vượn hót, chim kêu, ngô nếp nướng, thịt rừng quay, non xanh nước biếc, rượu ngọt chè tươi… Vui hơn nữa là không khí sum vầy, thân mật giữa những người đồng chí: Khách đến thì mời; săn về thường chén… Giọng điệu hân hoan, phơi phới trong niềm vui sống giữa núi rừng hoang sơ mà ấm áp, yêu thương. Vì thế đang ở trong hiện tại mà nghĩ về ngày mai để lại càng nhớ Việt Bắc khôn nguôi:

Kháng chiến thành công ta trở lại,

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Ở đây có ân tình thủy chung đối với quê hương cách mạng, đối với đồng bào Việt Bắc, lại có cả tình riêng của Bác đối với trăng xưa, hạc cũ, nghĩa là đối với cái thú lâm tuyền vốn là lẽ sống bình dị mà thanh cao của Người.

Yêu thiên nhiên, sống hòa mình vào cỏ cây đất trời đã trở thành một phương diện thẩm mỹ trong đời sống tinh thần của Bác. Đã bao lần, Người ung dung thưởng ngoạn vẻ đẹp đất trời như một thú bình sinh: Mặc dù bị trói chân tay/ Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng/ Vui say ai cấm ta đừng/ Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu; hay Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi. Tuy nhiên, nét nổi bật trong tâm hồn thơ của Bác là cảm hứng về thiên nhiên bao giờ cũng gắn liền với cảm hứng về vận mệnh đất nước. Vì thế, Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà; hay Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

5.

Mang trong mình vẻ đẹp tâm hồn hiền triết Á Đông và lối sống truyền thống của người Việt, Không Lộ thiền sư và Hồ Chí Minh đã có sự cách xa nhau non 10 thế kỉ nhưng vẫn có những nét tương đồng về triết lí nhân sinh gửi vào trong đó. Dạo bước giữa thiên nhiên đất trời nghe lòng thanh thản. Cái phong thái ung dung tự tại, sống gần gũi giao hòa với vũ trụ, đất trời đã trở thành khát vọng và triết lí sống thanh cao. Đó là sự nối tiếp, kết tinh vẻ đẹp trong tâm hồn và lối sống người Việt: Bụi tre che phía/ Bụi mía che bên, hay trong câu chuyện cổ “Thánh Gióng”, sau khi đánh tan giặc, cả người và ngựa đều bay thẳng về trời.

Là một nhà sư, Không Lộ không thoát tục, lánh đời mà luôn vui với niềm vui trần thế, với thiên nhiên, với thú quê bình dị… Còn Hồ Chí Minh mãi yêu và nhớ thú lâm tuyền nhưng không phải ẩn dật, lánh đời mà luôn ở trong đời và ấm áp tình người. Nếp sống giản dị, thanh đạm của Bác - nói như nhà văn Lê Anh Trà “hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mỹ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc cao cho tâm hồn và thể xác”.

Yêu thiên nhiên, xem đất trời, vũ trụ là người bạn tâm tình; gắn bó thiết tha với cuộc đời; luôn tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngay giữa cuộc sống trần thế bình dị mà thanh cao… Cái triết lí nhân sinh đó giản dị mà nhân văn, trong sáng và vững chãi vô cùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ