“Giải cứu” giá lợn: Luẩn quẩn lối thoát cho người chăn nuôi

GD&TĐ - Đã 2 tháng kể từ đợt chung tay “giải cứu” lợn đầu tiên được phát động, giá lợn hơi đã nhích lên chút ít trong thời gian ngắn, nhưng rồi sau đó lại tụt xuống. Người chăn nuôi lợn khóc ròng vì vẫn chưa thoát khỏi cảnh thua lỗ do giá lợn hơi không phục hồi mà còn có chiều hướng giảm tiếp do nguồn cung vẫn dồi dào...

Đến giờ vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào nhằm giải cứu lợn để người chăn nuôi bớt rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần
Đến giờ vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào nhằm giải cứu lợn để người chăn nuôi bớt rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần

Vẫn chồng chất khó khăn

Hiện tại, việc “giải cứu” lợn cho người chăn nuôi vẫn diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Tại Đồng Nai, nơi được xem là thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước, những ngày gần đây, giá lợn hơi trên thị trường vẫn ở mức thấp, giao động từ 22.000 - 24.000 đồng/kg, thậm chí đang có dấu hiệu giảm thêm... Với mức giá này, người nuôi lỗ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi con. Đáng chú ý, do giá lợn quá rẻ nên nhiều người chăn nuôi ở một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương... đã tự mổ lợn để bán nhằm vớt vát lấy vốn.

Giá lợn hơi vẫn ở mức thấp như vậy nên kéo giá lợn giống cũng xuống thê thảm. Giống lợn siêu nạc ở nhiều nơi hiện nay chỉ ở mức 200.000 - 300.000 đồng/con, nhưng vẫn khó bán. Dù lợn giống quá rẻ nhiều trang trại vẫn không thể bán được, buộc các chủ trại sản xuất lợn giống phải tiếp tục nuôi thành lợn thịt để bán nên nguồn cung có nguy cơ tăng.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, những ngày qua tuy được nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể vào cuộc để “giải cứu” đàn lợn cho người chăn nuôi bằng cách tăng cường mua thịt. Thế nhưng, tất cả những hoạt động đó chỉ là giải pháp tạm thời, không thể cứu được sự thua lỗ nặng nề của ngành chăn nuôi.

Bởi sau một thời gian được cả nước giải cứu thì giá lợn hơi chỉ nhích lên rất ít rồi lại tuột xuống. Do vậy, nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn vẫn không thể hồi phục, thậm chí còn thua lỗ nặng hơn. Bởi vậy việc giải cứu lợn chỉ mới dừng lại được ở việc tác động để các thương lái không có lý do ép giá hai đầu (cả người nuôi và người tiêu dùng) để hưởng lợi, chứ thực ra số lượng lợn được giải cứu không đáng bao nhiêu...

Cần một giải pháp cân đối cung cầu

Thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) hiện nay nguồn cung vẫn quá lớn, sức tiêu thụ chậm khiến giá lợn hơi ở nhiều địa phương không những không đẩy cao lên được mà còn có chiều hướng giảm. Tại nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, TPHCM, Đồng Nai... hiện giá lợn hơi đã giảm khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg, từ 24.000 đồng/kg xuống mức 22.000 đồng/kg. Chính vì vậy, việc các tổ chức “giải cứu” lợn chỉ mới hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng, nhưng không thể giúp được người dân có lãi.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giai đoạn đầu của chương trình “giải cứu lợn”, lượng lợn được thu mua và bán ra khá nhiều. Tuy nhiên, sau một thời gian, chương trình đã trầm lắng dần.

Về số lượng lợn tại một số tỉnh, thành hiện nay Cục này cho biết, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị lợn ăn cụt vốn. Những trang trại cỡ nhỏ cũng đã “thấm đòn” chưa dám tái đàn. Tuy nhiên, những trang trại lớn có đầu tư nước ngoài vì mạnh vốn nên họ vẫn duy trì đàn lợn nái có chất lượng để khi giá lợn lên là có lợn giống cung ứng ra thị trường.

Được biết, ngay từ đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo các địa phương không tăng quy mô đàn lợn, thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng và kiểm soát tốt thị trường. Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt đầu tư xây chuồng trại tăng đàn lợn vẫn diễn ra. Hệ quả tất yếu là thừa lợn thịt.

Không chỉ khủng hoảng giá lợn lần này mà hiện tại cũng như quá khứ đã có nhiều loại nông sản đột ngột rớt giá. Sau mỗi cuộc giải cứu những sản phẩm nông nghiệp, nhược điểm chung vẫn là việc phát triển “quá nóng” tạo nên sự mất cân đối cung cầu dẫn đến giá cả “tuột dốc không phanh” khiến người dân lao đao, lâm vào cảnh nợ nần...

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, thời gian tới cần phải tăng cường phối hợp quản lý và kiểm soát thị trường đầu vào phục vụ chăn nuôi lợn (giống, thức ăn, kiểm dịch...) với thị trường đầu ra (tiêu thụ) sản phẩm để có cảnh báo sớm hiện tượng khủng hoảng thiếu hoặc thừa.

Ngoài ra, cần có định hướng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người mua, rút ngắn chi phí và thời gian tiêu thụ. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lớn, liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng sản phẩm; Khuyến khích, hỗ trợ nhằm tạo thói quen sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường có đảm bảo bằng hợp đồng kinh tế trước khi tiến hành sản xuất...

Cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm nay, trong khi các chủ trại bị thương lái ép giá với mức 16.000 - 18.000 đồng/kg, việc giúp bán được lợn hơi với giá 23.000 - 25.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi tưởng như trút được gánh nặng. Tuy nhiên, những chương trình giải cứu của toàn xã hội chỉ như “muối bỏ biển”, sau 2 tháng được “giải cứu”, hiện giá lợn hơi vẫn thấp và người chăn nuôi vẫn thua lỗ nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ