Trước xu hướng này, nhiều trường đại học đã mở ngành đào tạo Fintech nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cung và cầu về nhân lực vẫn còn lớn, đòi hỏi sự đầu tư bài bản từ cả người học lẫn các cơ sở giáo dục.
Nhu cầu nhân sự bùng nổ
Fintech là sự kết hợp giữa tài chính (Finance) và công nghệ (Technology). Các công nghệ mới như ngân hàng số, ví điện tử, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và cho vay ngang hàng (P2P lending) đang trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Theo báo cáo thị trường Fintech của Nextrans, hiện có khoảng hơn 260 công ty hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Quy mô thị trường Fintech Việt Nam về giá trị giao dịch dự kiến sẽ tăng từ 34,50 tỷ USD năm 2023 lên 63,87 tỷ USD vào năm 2028. Với tỷ lệ sử dụng Internet đạt 80% và điện thoại thông minh đạt 84% (với dự báo tiệm cận 100% trong tương lai gần), Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, xem đây là một chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên mới. Sự phát triển này kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức cả về tài chính lẫn công nghệ. Theo TopDev, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch lớn từ nhu cầu nhân sự truyền thống sang nhân sự đa ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực Fintech. Các công ty hiện nay yêu cầu nhân sự có thể am hiểu công nghệ mới như blockchain, AI, Big Data… bên cạnh kiến thức tài chính, ngân hàng và đầu tư.
Ông Dương Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Trí tuệ nhân tạo Promete nhận định: “Hầu hết nhân sự Fintech hiện nay chuyển từ mảng công nghệ sang, dẫn đến độ lệch pha về tư duy khi phát triển sản phẩm tài chính. Ngược lại, nhân sự tài chính truyền thống gặp khó khăn trong việc số hóa dịch vụ tài chính. Vì vậy, các trường đại học cần đào tạo sinh viên theo hướng đa dạng hóa kiến thức tài chính và công nghệ”.
Mức thu nhập của nhân sự trong lĩnh vực Fintech cũng thuộc nhóm cao nhất trong ngành công nghệ và kinh tế số, dao động từ 400 - 2.600 USD/tháng, theo TopDev. Một báo cáo của VietnamWorks giai đoạn 2010 - 2020 cũng chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tăng gấp bốn lần sau một thập kỷ. Trong đó, Fintech là ngành có mức lương đề xuất cao nhất, trung bình khoảng 1.115 USD/tháng (khoảng 26 triệu đồng), cao hơn cả thương mại điện tử (895 USD/tháng, khoảng 21 triệu đồng).
“Chúng tôi sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn để thu hút nhân sự nếu họ có kiến thức bài bản và phù hợp với công việc”, ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Casso, nói.

Hàng loạt đại học mở ngành Fintech
Nhận thấy tiềm năng và nhu cầu của ngành, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo về Fintech. Từ năm 2019, Đại học Kinh tế Quốc dân đã tuyển sinh chương trình cử nhân công nghệ tài chính. Ngay sau đó, hàng loạt trường đại học khắp cả nước cũng đã mở ngành Fintech.
Chẳng hạn, năm 2023, Học viện Ngân hàng đã chính thức tuyển sinh ngành công nghệ tài chính. Trường Đại học Công Thương TPHCM tuyển sinh các ngành khoa học dữ liệu, công nghệ tài chính, thương mại điện tử với chỉ tiêu mỗi ngành là 60.
Trong khi đó, Đại học Kinh tế TPHCM mở năm chương trình mới gắn với kỷ nguyên số, bao gồm công nghệ tài chính, công nghệ marketing, kinh doanh số, kỹ sư robot và trí tuệ nhân tạo, kỹ sư công nghệ logistics với chỉ tiêu mỗi ngành từ 50 - 70. Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh chương trình đào tạo khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM, sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí hấp dẫn trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty công nghệ tài chính và tập đoàn đa quốc gia.
Các vị trí tiêu biểu có thể đảm nhận bao gồm chuyên viên tài chính số tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; chuyên viên phân tích dữ liệu tài chính tại các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư; quản lý dự án Fintech tại các startup công nghệ tài chính; chuyên viên phát triển sản phẩm số tại các tập đoàn thương mại điện tử hoặc chuyên gia an ninh mạng và bảo mật tài chính.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng chưa tới một nửa trong số đó có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng lao động trong nền kinh tế cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt hơn 1%, thấp hơn so với Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%) và Ấn Độ (1,78%).
Một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey cũng chỉ ra rằng nhu cầu nhân lực ngành Fintech của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 8 - 9% đến năm 2030 dưới tác động của chuyển đổi số. Điều này cho thấy vẫn còn một khoảng trống lớn về nhân lực công nghệ, đặc biệt trong Fintech.
Dù cơn khát nhân sự Fintech đang bùng nổ và các cơ sở đào tạo đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống này, nhưng chất lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế doanh nghiệp. Theo FPT Digital, chỉ khoảng 30% sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp hiện nay đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Các nhà tuyển dụng phải mất thêm nguồn lực để thực hiện đào tạo lại. Sự yếu kém về chất lượng chủ yếu ở kiến thức, kỹ năng làm chủ các công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain.
Để đáp ứng sự phát triển này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Fintech và các cơ sở đào tạo để cung cấp chương trình học phù hợp với thực tế. Đồng thời, bản thân người lao động cũng cần chủ động nâng cao kỹ năng công nghệ, tài chính và quản trị để bắt kịp xu hướng mới.
VKU Fintech Hub - Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo đầu tiên về công nghệ tài chính tại miền Trung - Tây Nguyên tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng chính thức khai trương vào cuối tháng 9/2024.
Trung tâm được trang bị hệ thống phần mềm phân tích dữ liệu tài chính SAS, phần mềm mô phỏng sàn giao dịch thương mại điện tử, chiến lược kinh doanh, thanh toán điện tử, tiếp thị kỹ thuật số, cùng giáo trình, tài liệu chuyên sâu phục vụ đào tạo ngành công nghệ tài chính (Fintech). VKU dự kiến tuyển sinh ngành này từ năm 2025 với 60 chỉ tiêu, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, kết hợp thực tập thực tế tại doanh nghiệp.