Công nghệ tài chính (FinTech): 'Chìa khóa' mở cánh cửa tương lai

GD&TĐ - Công nghệ tài chính (FinTech) đang trở thành một trong những ngành nổi bật và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính hiện đại.

Sinh viên ngành FinTech của Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH
Sinh viên ngành FinTech của Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Nhiều trường đại học đã mở ngành FinTech nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực.

Ngành mới ở Việt Nam

Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp với Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức Tọa đàm “FinTech - Tác động và Tương lai của việc làm”. Tại tọa đàm, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bên cạnh việc ứng dụng và sáng tạo công nghệ hiện đại vào lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng (ví điện tử, ngân hàng điện tử, cho vay ngân hàng, ứng dụng đầu tư chứng khoán, ứng dụng quản lý ngân sách, mua trước trả sau, tiền điện tử, công nghệ chuỗi khối…), FinTech đang tạo nên những tác động đến việc phát triển bền vững theo xu thế của thế giới.

Sự phát triển của FinTech đã và đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập và phát triển các trung tâm tài chính cho khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, FinTech vẫn là một ngành còn khá mới ở Việt Nam.

Các trường đại học đào tạo lĩnh vực ngân hàng, tài chính bắt đầu mở rộng đào tạo FinTech nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành này. Trong đó có thể kể đến như: Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM); Đại học Kinh tế TPHCM; Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM; Trường Đại học Ngân hàng TPHCM; Trường Đại học Công Thương TPHCM…

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, FinTech đang phát triển mạnh mẽ và có sự tăng trưởng đáng kể ở Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng của người dùng Internet và di động, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ứng dụng và dịch vụ tài chính trực tuyến.

Trong đó phải kể đến các ứng dụng thanh toán di động như: MoMo, ZaloPay, AirPay và ViettelPay; ví điện tử và thanh toán qua QR code; giao dịch chứng khoán trực tuyến; dịch vụ tài chính trực tuyến và tín dụng P2P; ngân hàng số và ngân hàng trực tuyến; tiền mã hóa và blockchain.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, trong việc phát triển ứng dụng tài chính di động và trực tuyến, FinTech tạo ra các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số giúp cá nhân và doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách dễ dàng và tiện lợi từ bất kỳ đâu.

Ở lĩnh vực giao dịch và đầu tư tự động, FinTech sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán để thực hiện giao dịch và quản lý danh mục đầu tư tự động, giúp tối ưu hóa hiệu suất đầu tư và giảm rủi ro. Ngoài ra, FinTech đem đến các phương thức thanh toán mới như ví điện tử, tiền mã hóa, chuyển tiền liền mạch và an toàn hơn.

Sinh viên tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: UEL

Sinh viên tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM. Ảnh: UEL

Sinh viên cần kỹ năng gì?

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, ngành FinTech có thời gian đào tạo trong vòng 4 năm, tối đa 6 năm. Sinh viên có thể học vượt nếu hoàn thành các môn tiên quyết. Kiến thức toàn khóa có 130 tín chỉ không bao gồm phần kiến thức ngoại ngữ, giáo dục thể chất và giáo dục quốc phòng.

Trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp ngành FinTech, PGS.TS Nguyễn Anh Phong - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết: Có 4 nhóm ngành nghề chính phù hợp, gồm: Chuyên viên quản lý, kiểm soát hệ thống tài chính tại các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước; chuyên viên công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ tài chính tại các doanh nghiệp dịch vụ tài chính; chuyên viên tại các công ty FinTech; làm chủ các dự án sáng tạo khởi nghiệp; giảng viên và nghiên cứu viên.

Cũng là trường đang đào tạo ngành FinTech, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có những chương trình đào tạo hiện đại, định hướng chuyển đổi số, cập nhật các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và chú trọng thực tiễn với nhiều phòng đào tạo mô phỏng.

Trong buổi tư vấn tuyển sinh mới đây, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, năm 2022, trường có hơn 88 giảng viên ngành FinTech. Trường đã liên hệ và ký hợp tác với nhiều trường đại học lớn trên thế giới nhằm đảm bảo hệ thống học liệu của nhà trường. Đặc biệt, nhà trường còn xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy FinTech.

Khi mở chuyên ngành, trường đã đối sánh với các trường đại học lớn ở châu Âu, Singapore, Mỹ… để lựa chọn ra những môn học tốt nhất và phù hợp nhất đảm bảo tính khoa học. Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức mới nhất về công nghệ tài chính thông qua chuỗi các môn học về lập trình, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu ứng dụng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, ngành FinTech sẽ được xây dựng dựa trên 3 trụ cột. Một là trụ cột các môn học về Toán và khoa học máy tính. Điều này giúp sinh viên có thể nói chuyện được với robot. Thứ hai là môn học Blockchain với 2 hướng cơ bản là nguyên lý, kỹ thuật cơ bản blockchain và blockchain ứng dụng cho tài chính ngân hàng. Trụ cột thứ ba là các môn học về kinh doanh, quản lý và tài chính ngân hàng.

“Đây là ngành học cần hiểu biết và vận dụng công nghệ. Người học cần đảm bảo ít nhất biết được 5 kỹ năng, bao gồm: Kỹ năng về chuyên môn, ngoại ngữ, phân tích dữ liệu, kỹ năng lập trình, các kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho biết.

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ngoài kiến thức về ngân hàng truyền thống, sinh viên cần hiểu thêm về công nghệ và pháp lý. Trong tương lai, những người trẻ theo ngành tài chính sẽ giảm bớt rất nhiều áp lực nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Sinh viên học ngành FinTech để trở thành nhân sự có chất lượng cần có phẩm chất đạo đức tốt, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các quy định ở nơi học tập và làm việc, có năng lực tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng kiến thức về công nghệ tài chính vào lĩnh vực kinh tế, tài chính - ngân hàng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và kỷ nguyên số.

Tháng 6/2024, Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức chương trình FinTechNovation Credentials với các khóa đào tạo, chương trình huấn luyện chuyên sâu và chương trình ươm tạo ý tưởng đổi mới sáng tạo, cung cấp hoàn toàn miễn phí dành cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và ngân hàng.

PGS.TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, sáng kiến FinTechNovation Credentials mang lại cơ hội cho hơn 1.000 sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM được thụ hưởng các giá trị giáo dục, cơ hội học tập, rèn giũa kỹ năng và lĩnh hội các kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực kinh doanh, hướng đến việc phát triển toàn diện để trở thành công dân toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.