Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục định vị một thương hiệu riêng

GD&TĐ - Nhà báo Nguyễn Thu Hoài – Báo Đại đoàn kết chia sẻ vinh dự nhiều lần đạt giải thưởng của Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.

Nhà báo Thu Hoài (ngoài cùng bên trái) cùng với đồng nghiệp của mình.
Nhà báo Thu Hoài (ngoài cùng bên trái) cùng với đồng nghiệp của mình.

Tự hào

Là một trong những tác giả nhiều lần vinh dự đạt giải, nhà báo Thu Hoài chia sẻ: “Tôi là một trong số tác giả may mắn khi năm nào tham gia Giải Báo chí Toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đều đạt giải. Đặc biệt là số giải thưởng mà tôi đạt được không “đứng im” mà có sự “đổi màu” qua mỗi mùa giải.

Năm đầu tiên dự thi, tôi đạt giải Khuyến khích. Hai mùa giải sau đó, tôi cùng nhóm tác giả Báo Đại Đoàn Kết gồm các nhà báo: Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Thu Hương đã đạt được lần lượt giải Nhất, Nhì.

Năm nay, nhóm tác giả chúng tôi tiếp tục vinh dự đạt giải, đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp, nhóm tác giả của Báo Đại Đoàn Kết được xướng tên trong danh sách các tác giả đạt giải."

Theo nhà báo Thu Hoài, với những người làm báo chuyên trách ở lĩnh vực giáo dục, không gì vui hơn khi mỗi bài báo, mỗi tác phẩm được ghi nhận, vinh danh. Đây là những đóng góp tâm huyết, thiết thực và ý nghĩa cho ngành.

“Vì vậy, mỗi mùa giải đều cho tôi cảm xúc riêng. Sau loạt bài đầu tiên đạt giải, tôi như được tạo thêm động lực để phấn đấu, góp thêm những câu chuyện lan tỏa, tiếng nói trách nhiệm với ngành Giáo dục”, nhà báo Thu Hoài phấn khởi chia sẻ.

Năm nay, Báo Đại đoàn kết tham gia loạt 5 bài “Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp”.

Chia sẻ về quá trình lên ý tưởng và xây dựng tuyến bài của chị và các đồng nghiệp trong nhóm, chị chia sẻ, với loạt bài này, chúng tôi muốn góp tiếng nói tham vấn, phản biện cho việc dạy học tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Qua thời gian triển khai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế đã có những khó khăn nhất định, nhất là trong việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý còn nhiều bất cập.

Tôi nhớ khi thực hiện bài viết cuối cùng của loạt bài này, chuyên gia chúng tôi gặp là ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nhận định, khi triển khai chủ trương mới thì những vướng mắc, khó khăn là khó tránh khỏi. Do đó, những vấn đề đã được nhận diện từ thực tế khi triển khai chương trình mới cần cầu thị lắng nghe, tiếp thu giải quyết.

Thời gian qua, việc triển khai chương trình mới ở các cấp học luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chúng tôi cho rằng đây là mối quan tâm chính đáng của phụ huynh nói riêng và người dân nói chung. Báo chí viết về lĩnh vực giáo dục cũng không nằm ngoài dòng chảy thông tin đó.

Cho tới thời điểm này, việc giảng dạy các môn học tích hợp vẫn đang khiến các nhà trường và thầy cô gặp khó. Tìm hiểu được biết, vì không có nhân sự giảng dạy, không ít giáo viên được đào tạo đơn môn, nhưng giờ đây phải dạy liên môn. Dù họ đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng theo quy định nhưng vẫn khó có thể dạy chuyên sâu cả 3 môn ngay trong một thời gian ngắn.

Vấn đề chúng tôi nêu ra không dễ thay đổi ngay trong ngày một, ngày hai nhưng rõ ràng cần có chiến lược tổng thể hơn. Loạt 5 bài “Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp” đã nhận được những phản hồi tích cực từ bạn đọc, từ các chuyên gia. Đây thực sự là niềm vui với những người làm nghề.

e5e6d156-019e-4f62-8854-252d98d4837e.jpg
Nhà báo Thu Hoài trong một lần lên vùng cao tác nghiệp. Ảnh NVCC.

Định vị một “thương hiệu riêng

Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đã bước sang năm thứ 7 tổ chức. Chất lượng và số lượng các tác phẩm dự giải gia tăng qua mỗi năm, cho thấy sức hút của giải ngày một lớn. Đây cũng là thách thức buộc các nhà báo tích cực tìm tòi, phát hiện và thể hiện đề tài sâu sắc, đa chiều hơn.

Hàng loạt các vấn đề nóng được báo chí phản ánh, ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học… Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội với ngành Giáo dục nước nhà.

Tôi mong rằng, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà báo, nhiều cơ quan báo chí hơn nữa, định vị một “thương hiệu riêng”.

Báo Đại Đoàn Kết mong muốn được tiếp tục đồng hành với Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ở những năm sau nữa và mong chờ một giải thưởng Đặc biệt. Đây chắc cũng là mong muốn chung của tất cả các tác giả dự giải. Tuy nhiên, hơn cả niềm vui, giải cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đóng góp tiếng nói tâm huyết, thiết thực và ý nghĩa cho ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tự nhìn lại cuộc chiến

GD&TĐ - Gần hai tháng trước khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ tư, phía Nga đưa ra những đánh giá tích cực về kết quả.