Giải bài toán thiếu giáo viên: Giải pháp lâu dài, bền vững

GD&TĐ - Giải pháp lâu dài và bền vững để giải bài toán thiếu giáo viên chính là chính sách đối với đội ngũ và ưu tiên biên chế để thu hút được người giỏi, giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề.

Đào tạo đội ngũ giáo viên phải gắn liền với yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Đào tạo đội ngũ giáo viên phải gắn liền với yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

Giải pháp căn cốt vẫn là chính sách với đội ngũ

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 2, Trường Tiểu học Thụy Sơn, Thái Thụy, Thái Bình đã chủ động lựa chọn giáo viên, lên kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức cho các giáo viên dự giờ lớp 1 - lớp đang triển khai chương trình mới. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh, điều thuận lợi của nhà trường là có đủ đội ngũ, kể cả những môn đang thiếu ở tiểu học như Ngoại ngữ, Tin học…

“Tuy nhiên, khó khăn về nguồn tuyển, đặc biệt là môn học trở thành bắt buộc từ lớp 3 khi triển khai chương trình mới như Ngoại ngữ, Tin học là thực trạng ở nhiều địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học. Đây là điều kiện thuận lợi, mở rộng nguồn tuyển cho địa phương; cũng tạo điều kiện cho nhiều người có chuyên môn muốn trở thành giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải pháp lâu dài vẫn là chính sách tốt cho đội ngũ, có chỉ tiêu biên chế để giáo viên yên tâm gắn bó lâu dài với nghề” - ông Nguyễn Văn Chanh cho hay.

Ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy, Phú Thọ cũng nhấn mạnh: Cùng với cơ sở vật chất, điều kiện về đội ngũ rất quan trọng, góp phần quyết định vào thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo yêu cầu của chương trình mới, 2 năm nữa tất cả học sinh lớp 3 trên cả nước đều phải được học môn Tiếng Anh và Tin học. Nhưng thực tế, đội ngũ giáo viên dạy Tiếng Anh ở cấp tiểu học còn thiếu nhiều. Đặc biệt, giáo viên dạy môn Tin học cơ bản thiếu (trừ các thành phố). Do vậy, chuẩn bị giáo viên phải được thực hiện khẩn trương, bởi hiện nay tuyển được giáo viên không đơn giản, trong khi đó dạy học ở cấp tiểu học cần cả kinh nghiệm và trình độ.

“Với sự quan tâm của tỉnh Phú Thọ, huyện Thanh Thủy được ưu tiên tuyển dụng số giáo viên còn thiếu ở tiểu học. Do đó, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh cơ bản đáp ứng được chương trình mới. Tuy nhiên, giáo viên dạy môn Tin học thì chưa có. Để chủ động triển khai chương trình mới ở lớp 3 đối với môn Tin học, Ngoại ngữ, tôi cho rằng cần xây dựng được dữ liệu về giáo viên tại tất cả nhà trường.

Thông tin chi tiết về giáo viên nào đến tuổi nghỉ hưu, môn học nào đang thừa, môn học nào thiếu giáo viên đều cập nhật liên tục. Cùng với đó, trong 2 năm tới, việc tuyển dụng giáo viên ở các tỉnh phải đặc biệt ưu tiên cho bậc tiểu học. Các địa phương rà soát cụ thể số lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học để có ngay giải pháp ưu tiên bố trí biên chế, đặt hàng đào tạo và cam kết tuyển dụng sau khi các em tốt nghiệp. Bên cạnh đó, bố trí giáo viên dạy môn Ngoại ngữ, Tin học cũng phải hết sức linh hoạt theo các phương án tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động…” – ông Nguyễn Minh Tường chia sẻ.

Sinh viên sư phạm nhận thức được nhiều hỗ trợ từ chính sách.
Sinh viên sư phạm nhận thức được nhiều hỗ trợ từ chính sách.

Tinh giản biên chế: Đừng cứng nhắc

Để giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, bà Hồ Thị Minh - Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng: Bộ Nội vụ phải thấy được nhu cầu thực tiễn của ngành Giáo dục, đừng chỉ nhìn ở góc độ tăng biên chế.

“Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu số lượng biên chế, nhưng lại hướng để cố đạt tỷ lệ tinh giản theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, mà chưa tính đến thực tiễn của ngành Giáo dục. Đặc biệt, triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, yêu cầu cơ sở vật chất, giáo viên phải đủ và bảo đảm chất lượng”. Nhấn mạnh điều này, bà Hồ Thị Minh nói:

Để giải quyết được khâu thiếu giáo viên, ngành nội vụ từ Trung ương đến địa phương phải rà soát tổng thể nhu cầu về đội ngũ để tuyển dụng đủ số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn này. Việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục không nên cứng nhắc. Nếu ngành Giáo dục phải chạy theo tinh giản biên chế chung chắc chắn không thể giải được bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, địa phương cũng phải rà soát nhu cầu thực, cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để tạo sự đồng bộ cho phát triển.

 “Xét về nguồn cung, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp để nhanh chóng đào tạo đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, giáo viên các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý…

Được biết, Bộ GD&ĐT sắp ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học. Đây cũng là giải pháp cần thiết để tạo nguồn giáo viên. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là làm sao để giáo viên phải sống được bằng lương. Có vậy mới thu hút được người tài cho giáo dục để có một đội ngũ tốt, chất lượng” – bà Hồ Thị Minh nêu quan điểm.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Tin học, Ngoại ngữ sẽ dạy bắt buộc trong nhà trường từ lớp 3. Như vậy, nhu cầu về đội ngũ này rất lớn, nhất là các tỉnh vùng khó. Chuẩn bị để có đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để triển khai chương trình mới ở lớp 3 từ năm học 2022 - 2023 là cấp thiết. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.