Giải bài toán nhân lực cho các siêu đô thị

GD&TĐ - Nếu các siêu đô thị vẫn tiếp tục ôm các ngành công nghiệp gia công, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lao động thủ công khổng lồ thì sẽ còn đối mặt quá tải.

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề. Ảnh minh họa
Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề. Ảnh minh họa

Sự quá tải của các siêu đô thị

Ông Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho rằng, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Theo ông Lộc, không phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam Bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này.

Mặt khác, điều này còn làm chen lấn thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai.

Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Điều này giúp chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Từ đó có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn, tỉnh, thành phố khác để phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả.

“Có như vậy, con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình. Như vậy cũng không phải cuốn về các trung tâm đô thành chật chội” – ông Lộc nêu.

Nguyên Chủ tịch VCCI đề nghị, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, phải áp dụng một giải pháp phi tài chính. Hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với những nội hàm cụ thể.

“Có thể rút gọn các thủ tục, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay” – ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về sinh mạng, vật chất, tinh thần mà người dân và doanh nghiệp đã phải gánh chịu trong thời gian qua. Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay rất cấp bách nhưng ông Lộc đề nghị không thể một chút lơ là.

Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp, lỡ thì. 

Xem người lao động là động lực tăng trưởng

Ông Trần Văn Khải - Ủy viên BCH Đảng bộ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang là một thách thức đặc biệt với Việt Nam và thế giới. Vì vậy, để phục hồi, ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động.

“Giai đoạn giãn cách vừa qua chúng ta luôn quan tâm nhiều đến tác động của kinh tế nhưng hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Công nhân lao động bị sang chấn về tinh thần là điều chưa từng xảy ra, sẽ để lại di chứng lâu dài cần nhiều thời gian khắc phục…”  - ôngTrần Văn Khải nhấn mạnh.

Theo ông Khải, trước đây việc thu hút lao động từ nông thôn lên thành thị đã rất khó. Giờ đây lại xuất hiện tình trạng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê. Tình trạng doanh nghiệp không thể giữ được lao động kể cả khi Chính phủ đang mở cửa hiện đang diễn ra. Do đó, đây là thời điểm phải xem người lao động là động lực tăng trưởng và hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ tăng trưởng đất nước.

Ông Khải cho rằng, đối với người lao động, động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn. Vì vậy, các địa phương cần có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc.

Điều này bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn. Bên cạnh đó là tạo sinh kế cho người lao động làm việc tăng thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Ông Khải cũng nhấn mạnh, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Bên cạnh đó là một số biện pháp tuyên truyền hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe giúp người lao động yên tâm quay trở lại lao động.

Bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong biến động về kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực, bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân, nâng cao hiệu quả hệ thống y tế cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trạm y tế, các công trình văn hóa cho công nhân lao động tại các khu chế xuất.

“Có thể phải cân nhắc và chuẩn bị khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống không bình thường. Ngoài ra cần mạnh dạn sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội hỗ trợ người lao động” – ông Khải nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...