Thiếu 70.000 nhân sự vào cuối năm 2018
Số liệu thống kê của trang web việc làm VietnamWorks cho thấy, số lượng việc làm ngành CNTT được đăng tải trên website tuyển dụng VietnamWorks đã tăng từ 6.142 việc làm năm 2012 lên 9.846 việc làm vào năm 2013 và đạt con số 14.997 việc làm vào năm 2016. Như vậy, chỉ trong 4 năm, nhu cầu việc làm ngành CNTT đã gia tăng tới 2,44 lần.
Riêng trong năm 2016 vừa qua, nhu cầu tuyển dụng của thị trường nhân lực CNTT Việt Nam đã tiếp tục tăng nhanh, với mức tăng khoảng 25% so với năm 2015. Năm 2017, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016.
Cũng theo dự báo của VietnamWorks, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ ra trường trong năm 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.
Việt Nam được đánh giá là có lợi thế về nguồn nhân lực do chi phí nhân lực tại nước ta còn thấp so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Với tình hình phát triển của ngành CNTT tại Việt Nam hiện nay, mức lương của các vị trí việc làm ngành CNTT, bao gồm từ những sinh viên mới ra trường có dưới 2 năm kinh nghiệm làm việc cho đến vị trí quản lý trong các công ty, các doanh nghiệp CNTT có phổ khá rộng.
Theo mức lương tối đa mà 80% các vị trí tuyển dụng CNTT có thể trả được tổng hợp từ hàng ngàn vị trí tuyển dụng tại VietnamWorks trong 6 tháng gần đây nhất, mức lương tối đa trả cho sinh viên mới ra trường là khoảng 800 USD/tháng; gần 1.200 USD/tháng là mức lương tối đa nhà tuyển dụng trả cho nhân sự có kinh nghiệm trên 2 năm; nhân sự cấp quản lý có trên 5 năm kinh nghiệm được trả mức lương tối đa hơn 1.800 USD/tháng; mức lương tối đa của vị trí tuyển dụng giám đốc và các cấp quản lý cao hơn (có trên 10 năm kinh nghiệm) là khoảng 3.000 USD/tháng.
Đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử là khoảng 300.000 người. Số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT.
Hiện nay, trong hơn 400 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có tới 2/3 trường có đào tạo chuyên ngành CNTT. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Chiến lược TT&TT, có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại. Thực tế này cho thấy trình độ của các sinh viên CNTT ra trường còn hạn chế, chưa phù hợp với công việc mà doanh nghiệp yêu cầu.
Trong lĩnh vực CNTT, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư về phần mềm nhúng đang rất lớn. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, các trường phải luôn cập nhật chương trình học và cung cấp kỹ năng tự học để sinh viên ra trường luôn sẵn sàng với những thay đổi đang diễn ra.
Theo khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng được VietnamWorks thực hiện, những chứng chỉ có giá trị nhất hiện nay là Kỹ năng quản lý dự án, Quy trình Agile, Cisco, Microsoft và Amazon Web Services. Nhiều nhà tuyển dụng sẵn lòng trả lương cao cho những ứng viên có các chứng chỉ chuyên môn này.