Bất cập trong đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo chuyên gia, đại bộ phận lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp. 

Kỹ năng nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong lao động sản xuất.
Kỹ năng nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong lao động sản xuất.

Chất lượng lao động ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế.

Ý thức lao động chưa cao

Hiện, cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được phân bổ ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với hơn 3,6 triệu người lao động đang làm việc. Trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%.

ThS Trần Đình Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh), cho biết, những năm gần đây, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất - nhập khẩu. Con số này chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nền kinh tế. Điều này góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Từ đó, từng bước xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế chưa có “quy hoạch” lao động. Đại bộ phận lao động đang làm việc trong các khu này là lao động nhập cư, thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, chất lượng lao động trong các khu còn hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đã tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng chính sách, lao động có tay nghề chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đối với lao động nữ. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thanh niên chưa được quan tâm đúng mức. Nhất là chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên khu công nghiệp.

Ông Long cho biết, công tác đào tạo nghề trong khu công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn xây dựng hệ thống đào tạo nghề ngắn hạn bài bản, đồng bộ thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc doanh nghiệp. Các trung tâm, bộ phận đào tạo kỹ năng nghề riêng biệt hoặc ký hợp tác đào tạo nghề với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi tuyển dụng.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp vẫn đang tuyển dụng lao động phổ thông nằm trong độ tuổi thanh niên chưa qua đào tạo. Do đó, thanh niên trong độ tuổi lao động chưa được trang bị tốt tâm lý, ý thức về công tác an toàn lao động chưa cao.

Cùng với đó, trình độ tay nghề chưa đạt, nên việc thích nghi với tác phong công nghiệp trong các doanh nghiệp và dây chuyền vận hành hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc lao động liên tục bị sa thải, chủ yếu là đối tượng thanh niên. Doanh nghiệp tiếp nhận lao động mới liên tục tuyển dụng để lấp đầy khoảng trống nên không có thời gian đào tạo bài bản...

Cũng theo ông Long, nhiều lao động thanh niên sau khi được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc một thời gian ngắn đã xin nghỉ việc hoặc tự ý nghỉ việc. Họ không quan tâm đến ràng buộc hợp đồng lao động do chưa nhận thức việc vi phạm pháp luật khi phá vỡ hợp đồng. Điều này ảnh hưởng đến hệ thống dây chuyền sản xuất trong các doanh nghiệp. Chất lượng lao động thấp không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, dây chuyền sản xuất, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống thiết bị.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

Hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề ngắn hạn

Ông Trần Đình Long cho biết, việc thống kê, dự báo nguồn lao động cũng chưa kịp thời và vai trò của các trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng. Công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp, công tác phân luồng, đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên sau tốt nghiệp THCS chưa được quan tâm đúng mức. “Cần điều chỉnh và ban hành một số chính sách hỗ trợ thanh niên trong công tác đào tạo nghề ngắn hạn”, ThS Trần Đình Long nói.

Ông Long cho rằng, cần sửa đổi Luật Thanh niên để quy định độ tuổi thanh niên xuống đủ 15 tuổi nhằm phù hợp với độ tuổi lao động và độ tuổi được học trình độ sơ cấp nghề và phù hợp với thể chất, thể trạng, tâm sinh lý, nhận thức của độ tuổi trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần ban hành chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề vào làm việc tại khu công nghiệp như các đối tượng khác.

Ông Long cũng đánh giá những bất cập là, thực trạng việc học nghề chưa được quan tâm đúng mức. Nghề đào tạo không sát yêu cầu doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Trình độ giáo viên đào tạo nghề chưa đáp ứng. Để đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên trong các khu công nghiệp thời gian tới cần làm tốt công tác truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp trong đối tượng thanh niên về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho thanh niên trong các khu công nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ công tác tư vấn hướng nghiệp, đặc biệt đối với đối tượng kiêm nhiệm trong các trường THCS, THPT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có quy mô từ 1.000 lao động trở lên cần thành lập trung tâm đào tạo nghề và trước khi tuyển dụng phải yêu cầu lao động có chứng chỉ đào tạo nghề ngắn hạn. Đó là chứng chỉ đào tạo nghề phải do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp hoặc bộ phận đào tạo nghề của doanh nghiệp đăng ký đào tạo nghề với ngành Giáo dục nghề nghiệp cấp.

Ban Quản lý các khu công nghiệp và các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cần chú trọng xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực bên cạnh chiến lược kinh doanh để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời sớm báo cáo số liệu lao động cần tuyển đến hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo từng khu vực để chủ động xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp, sát với dây chuyền sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Gỡ bỏ gánh nặng

GD&TĐ - Một thời gian dài, sáng kiến - kinh nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét thi đua.
Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.