Nguy hại khi cắm sạc qua đêm
Chiều ngày 28/3 thông tin tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng – Phó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM cho biết vừa qua ở một số địa phương trên cả nước đã xảy ra các sự cố vụ cháy nổ liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện.
Các hệ thống, thiết bị sạc được bố trí trong nhà hoặc công trình là các thiết bị điện thuộc hệ thống điện chung đang sử dụng của ngôi nhà hay công trình đó. Do đó, phải đảm an toàn kỹ thuật về PCCC theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Đã có nhiều vụ cháy xảy ra ở tầng hầm, nhất là các chung cư, đặc biệt là tại vụ cháy Chung cư Carina, Quận 8 gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì lẽ đó, đối với tầng hầm là nơi cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC.
ThS Trần Văn Đồng, giảng viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Bộ Công an cho biết, các loại xe hiện nay đều có thiết bị chống quá nhiệt, quá dòng nhưng thực tế cũng chỉ có 1 vài dòng xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước với tiêu chuẩn cao, còn lại thì hầu hết đều có đánh giá PCCC, không được ngặt nghèo như các phương tiện khác.
Mặt khác cư dân khi đi xe điện về chiều tối cắm sạc xong bỏ đó qua đêm là rất nguy hiểm. Hầu hết các chung cư hiện nay khi đi vào thiết kế không đặt ra tiêu chí hay khu vực cấp điện hoặc tổ chức sạc cho các dòng xe này.
TS Trần Văn Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong số các nguyên nhân xe điện cháy nổ thì nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ bộ phận ắc-quy và hệ thống điện. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lại chưa để ý tới bộ phận này của xe.
Họ mua xe về và sử dụng tới lúc “không đi được nữa” thì mới mang tới cơ sở sửa chữa, chứ rất ít người mang xe đi bảo dưỡng định kỳ. Đó là chưa kể tới việc xe có chất lượng không tốt thì bình ắc quy và hệ thống điện cũng sẽ không đảm bảo an toàn, dễ gây chập cháy.
Nên có thiết bị cảnh báo cháy sớm
Theo TS Trần Văn Thịnh, xe điện cũng như xe xăng, chỉ an toàn khi sử dụng đúng cách. Khi sử dụng xe điện, nên sạc khi pin/ắc quy gần hết và hạn chế sạc qua đêm. Sau khi sử dụng từ 2-3 tháng có thể xả lượng axit trong pin/ắc quy thay bằng axít mới và sạc đầy pin/ắc quy.
Sử dụng sạc chính hãng kèm theo khi mua xe, đảm bảo dòng vào chuẩn và ổn định… Nếu lâu không dùng xe đạp điện thì nên sạc đầy bình, sau đó tháo rời ắc quy/pin ra để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị. Không để pin/ắc quy ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao, dễ gây cháy nổ. Không va đập hoặc rung mạnh tác động vào pin/ắc quy.
Khi rửa xe hay đi mưa cần làm khô các giắc cắm và dây điện trước khi khởi động xe. Định kì 3 - 6 tháng kiểm tra hệ thống sạc, pin/ắc quy một lần. Bất kì ắc-quy nào cũng có tuổi thọ sử dụng nhất định và cần thay mới khi xuống cấp. Nếu có hiện tượng lạ như pin/ ắc quy bị phồng, nứt hay phát ra tiếng động lạ khi sạc điện... nên thay thế ắc quy mới hoặc đến ngay các cơ sở sửa chữa để kiểm tra.
Khi mua một chiếc xe đạp điện hay xe máy điện thì sẽ có cuốn hướng dẫn sử dụng đi kèm, mọi người nên tuân thủ theo những chỉ dẫn của nhà sản xuất. Đơn cử khi sạc điện cho thì phải sạc vào thời điểm mà chúng ta có thể kiểm soát được.
Tốt nhất là sạc vào ban ngày. Vị trí cắm sạc cũng quan trọng, phải là chỗ dễ quan sát, khô ráo bởi nếu có sự cố thì sẽ nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi cắm sạc phải cắm chắc chắn, tránh việc phóng tia lửa điện trong lúc sạc.
ThS Trần Văn Đồng đề xuất, khi nhu cầu đi xe điện ngày càng nhiều, các khu chung cư nên tổ chức khu vực sạc riêng trên mặt đất, ngoài ra cũng cần có các thiết bị cảnh báo cháy sớm và có thể chữa cháy kịp thời.
Cơ quan PCCC cũng cần hỗ trợ người dân, quan trọng nhất là không để cháy nổ xảy ra mà người dân được thuận tiện trong vận hành phương tiện đảm bảo môi trường theo quan điểm mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.